
Thị trường lấy lại nhịp tăng trưởng
Song song với việc thu hút đầu tư, chính sách giảm thuế, giảm lãi suất ngắn hạn, cơ cấu nợ, tín dụng khoản vay mới để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư sản xuất là những điều kiện để kinh tế Thanh Hóa thay đổi tích cực trong thời gian qua.
Điều đó được thể hiện qua kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế tỉnh Thanh Hóa nổi bật với đà tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,88% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục giữ vai trò động lực, tăng trưởng 8,82%, trong đó, công nghiệp tăng mạnh 9,39%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tăng 15,02%.
Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh 20,5%. Du lịch phục hồi rõ rệt, toàn tỉnh đón 10,489 triệu lượt khách, bằng 65,6% kế hoạch và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 67.934 tỷ đồng. Thanh Hóa thu hút được 61 dự án đầu tư mới, trong đó có 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 12.904 tỷ đồng và 198,6 triệu USD, tăng 15,6%. Đáng chú ý, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 29.789 tỷ đồng, bằng 65,5% dự toán và tăng 13,6% so với cùng kỳ; thu nội địa đạt 19.086 tỷ đồng.
Từ những thành tựu trong kinh tế, xã hội của địa phương, khách hàng đang dần lấy lại niềm tin vào thị trường bất động sản. Trong đó, ở tất cả các phân khúc thị trường đang biểu hiện những tín hiệu tốt, nhiều dự án, mặt bằng dân cư được khách hàng quan tâm, lượng giao dịch tăng cao... Đó là những tín hiệu tích cực giúp thị trường bất động sản Thanh Hóa lấy lại đà hồi phục.

Ông Nguyễn Văn Vượng, cổ đông sáng lập công ty cổ phần tập đoàn BĐS Hapihome, Nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đầu tư BĐS Lam Linh cho biết, thị trường bất động sản Thanh Hoá sau thời gian sáp nhập xã thời gian vừa qua về tổng quan đã có chuyển biến tích cực, giá bất động sản cũng như lượng giao dịch đang dần lấy lại đà hồi phục.
Đất ở quanh trung tâm hành chính xã, phường mới sau sáp nhập có mức giá giao dịch tăng từ 20-30% tại các địa phương như TT. Thanh Hóa, Thọ Xuân, Sầm Sơn,... Trong đó, thị trường bất động sản khu vực phường Sầm Sơn tăng giá mạnh, lượng giao dịch tăng đột biến so với trước đây. Nguyên nhân là thời điểm hiện tại đang mùa du lịch nên phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng giao dịch tốt, các sản phẩm đất nền pháp lý sổ đỏ ở khu vực lân cận các dự án lớn của Sungroup, FLC được nhiều nhà đầu tư săn tìm.
“Với nhiều kết quả đột phá về kinh tế, thị trường bất động sản tại Thanh Hóa trong mấy tháng trở lại đây tăng trưởng “bùng nổ”, điều đó được ghi nhận bởi nhiều nhà đầu tư lớn, nhỏ đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh,…đổ bộ vào thị trường Thanh Hóa.
Tại các khu dự án đô thị mới ở trung tâm Thanh Hóa, phân khúc sản phẩm nhà phố xây thô pháp lý chuẩn hợp đồng mua bán, các khu đất tái định cư đã được cấp sổ đỏ có mức giá giao dịch tăng từ đầu năm đến nay giao động 10-30%.
Ngoài ra, thông tin các Chủ đầu tư như: Danko, Sushine, SunGroup,.. chuẩn bị khởi công các dự án mới hoặc khởi động lại một loạt dự án cũ cũng đang là yếu tố kích cầu thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư đổ về Thanh Hóa”, ông Vượng cho biết thêm.

Còn anh Nguyễn Văn Hùng, một nhà đầu tư ở xã Đồng Tiến cho biết: “Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Thanh Hóa có sự tăng giá đột biến so với đầu năm. Sau tết nguyên đán 2025, tôi định mua một lô đất tại mặt bằng xã Đông Lĩnh với giá 1,6 tỷ đồng nhưng chưa kịp giao dịch thì họ đã bán cho người khác. Thời điểm hiện tại, cũng lô đất đó nhưng giá đã được chủ mới đang rao với giá 1,8 tỷ đồng”.
Không phải chỗ nào cũng tăng giá bền vững
Sau thông tin sáp nhập hành chính và mở rộng địa giới phường, thị trường bất động sản Thanh Hóa ghi nhận đà tăng giá cục bộ, đặc biệt tại các khu vực ven đô như: Đông Văn, Đông Tiến, Đông Lĩnh, Đông Cương, phường Hạc Thành. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, làn sóng tăng giá này mang tính tâm lý nhiều hơn là dựa trên nền tảng phát triển thực tế, nhà đầu tư cần đánh giá thận trọng trước khi xuống tiền giao dịch.
Ông Trịnh Quang Đông, chuyên gia đầu tư và quản lý tài sản BĐS, chủ tịch HĐQT công ty CP nhà Thăng Long tại Thanh Hóa, nhận định: Trong hơn 3 tháng qua, giá đất tại một số khu vực như Đông Cương, An Hưng,… nơi chuẩn bị xác nhập phường đã tăng mạnh, đặc biệt là ở các phiên đấu giá. Có những lô đất khởi điểm 500 triệu nhưng trúng tới 1,3–1,4 tỷ. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị khai thác hoặc thanh khoản thực, thì không phải ai mua cũng có thể sinh lời ngay.

Ông Đông cho biết thêm, lực mua chính hiện nay đến từ giới đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trong tỉnh và một phần từ các nhà đầu tư ngoài tỉnh với mục tiêu đầu cơ, chờ sóng.
“Thị trường bất động sản đang xuất hiện dấu hiệu “chững lại” về thanh khoản sau đợt tăng giá đầu quý II/2025. Sau vài phiên đấu giá “nóng”, chúng tôi ghi nhận hiện tượng nhà đầu tư bắt đầu “khựng lại”. Nhiều người đã mua giá cao ở các mặt bằng được đẩy giá cao trong các phiên đấu giá, giờ muốn thoát hàng rất khó vì thị trường thứ cấp gần như đứng im. Người dân địa phương thì vẫn chủ yếu mua để ở, nên không chạy theo sóng”.
Còn về rủi ro, chuyên gia này cảnh báo: “Hiện nay, một số khu vực dù vừa sáp nhập nhưng quy hoạch chi tiết chưa rõ ràng. Có không ít lô đất rao bán nhưng chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, chưa có sổ đỏ hoặc đang nằm trong khu vực quy hoạch treo. Nếu không rà soát kỹ pháp lý, nhà đầu tư rất dễ mắc sai lầm.”
“Ngoài ra, có một nghịch lý đang diễn ra là: đất tăng nhanh, nhưng hạ tầng thì chưa kịp theo. Các dự án mở đường, kết nối đô thị mới chủ yếu còn nằm trên giấy hoặc đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Nếu nhà đầu tư xuống tiền sớm quá, thì có thể “chôn vốn” trong 2–3 năm, thậm chí lâu hơn”.
Tuy vậy, ông Đông cũng nhìn nhận Thanh Hóa vẫn là thị trường đầy tiềm năng trong trung và dài hạn, nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, công nghiệp phát triển nhanh và dân số trẻ. Điều quan trọng là phải biết chọn đúng thời điểm và đúng sản phẩm./.