Cảnh báo về những rủi ro của trái phiếu không tài sản đảm bảo sau hàng loạt vụ bắt giữ

Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp mang lại lãi suất cao hơn hẳn lãi suất tiền gửi ngân hàng nhưng nếu không tìm hiểu kỹ về đơn vị phát hành, nhà đầu tư rất có thể sẽ phải nhận nhiều "trái đắng".

Trái phiếu là kênh đầu tư, huy động vốn khi một công ty có nhu cầu vay và kênh đầu tư này được thực hiện theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì phải đảm bảo trả tiền gốc và lãi cho nhà đầu tư vào ngày đáo hạn.

Tính đến ngày 1/4/2022, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra các công ty kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp chứng khoán và phát hiện nhiều sai phạm. Từ đó, chuyển cơ quan điều tra 34 vụ, tiến hành xử phạt hành chính 568 vụ với số tiền tổng cộng hơn 29 tỷ đồng. Đây là một trong các bước để làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

Theo Bộ Tài Chính, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 7 tháng đầu năm 2022 là 280.641 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ năm 2021). Trong đó, các tổ chức tín dụng chiếm 37,2% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 31,5%, xây dựng chiếm 8,8%. Riêng trong tháng 7, có tới 84,4% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành là của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 1,5% và 0,7%.

Tình hình phát hành những tháng gần đây cho thấy, nếu trong quý 1/2022, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là nhóm phát hành mạnh nhất chiếm lần lượt 50,98% và 18,87% thì sang quý 2/2022, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh phát hành, chiếm 64,73% tổng khối lượng phát hành, còn các doanh nghiệp bất động sản chiếm 15,49% và nhóm xây dựng là 0,44%.

Bộ Tài chính liên tục khuyến cáo các nhà đầu tư cá nhân cân nhắc tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp. Bởi trái phiếu được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do vậy, rủi ro cho nhà đầu tư khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu. Và chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, còn lại không được mua loại trái phiếu này.

2-16-9ff6ab4d-1666152698-1666256928.jpg
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang là Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT tại HDBank. (Nguồn ảnh: kinhdoanhvaphattrien.vn)

Trong một diễn biến liên quan tới phát hành trái phiếu. Từ đầu năm 2019 đến nay, Tập đoàn Sovico (SVC) - một doanh nghiệp lớn, kinh doanh đa ngành từ lĩnh vực tài chính ngân hàng, năng lượng, hàng không và bất động sản đã phát hành hơn 100 lô trái phiếu với tổng giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng, số tiền đã huy động tổng cộng hơn 50.000 tỷ đồng trái phiếu. Nếu tính cả HDBank (nằm trong hệ sinh thái của SVC), con số thậm chí còn lên đến khoảng 69.000 tỷ đồng.

Phần lớn các trái phiếu do SVC phát hành đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, được tư vấn phát hành bởi Công ty cổ phần Chứng khoán HDB (nằm trong hệ sinh thái của SVC).

Tập đoàn Sovico sở hữu loạt dự án địa ốc như Dragon Village (quận 9), Dragon Riverside City (quận 5), Republic Plaza (Tân Bình), Dragon Hill Residence and Suites (Nhà Bè), Splendora (Hà Nội),…

Một số dự án nghỉ dưỡng ở Nha Trang – Khánh Hòa (L’alya Ninh Vân Bay, Evason Ana Mandara, Pax Ana, Ariyana Smart Condotel, Ana Mandara Cam Ranh) và Đà Nẵng (Furama Resort, Furama Villa, Ariyana Beach Resort & Suites).

11-1666153786-1666256928.png
Loạt dự án bất động sản cao cấp của Tập đoàn Sovico

Theo luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc công ty luật Thiên Minh: "Các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu.

Nhà đầu tư cá nhân cần tự đánh giá bản thân phải có đủ năng lực để đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào TPDN, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời mà không tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu hoặc chỉ mua trái phiếu vì lãi suất cao.

Nếu nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu phát hành riêng lẻ, không có tài sản đảm bảo đồng thời tiềm ẩn rủi ro lớn nếu ngân hàng đó có tỷ lệ nợ xấu cao."

Liên quan đến rủi ro khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá lên đến 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Nhà đầu tư được xác định là những người đã mua và góp vốn đầu tư trái phiếu của Tân Hoàng Minh.

Sau sự việc Tân Hoàng Minh lừa dối khách hàng khi phát hành trái phiếu, các nhà đầu tư của Tân Hoàng Minh vẫn vất vả với hành trình đòi tiền mua trái phiếu của mình. Mặc dù, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tuyên bố hủy các đợt phát hành trái phiếu trước đó của Tân Hoàng Minh. Kết quả điều tra đã xác định Tân Hoàng Minh đã chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng của các nhà đầu tư. Doanh nghiệp này đã nhiều lần đưa ra lời hứa sẽ xử lý các tài sản hiện có để trả lại tiền cho nhà đầu tư. Nhưng cho đến nay, Tân Hoàng Minh vẫn không thể cung cấp thông tin về lộ trình trả tiền cho nhà đầu tư.

Hay như vụ việc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đồng phạm về hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu tại Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông (An Đông) số tiền lên đến gần 25.000 tỉ đồng. Các chủ đầ tư của An Đông có khả năng khó thu hồi lại vốn sau khi ban lãnh đạo công ty này đã bị bắt tạm giam nên cũng khó thu xếp đủ tài chính để hoàn trả vốn cho khách hàng đã mua trái phiếu. Đồng thời, các lô trái phiếu đã phát hành của An Đông đến cuối năm 2023 và đầu năm 2024 mới đến kỳ tất toán nên phải tiếp tục chờ.