
Loạt động thái thu hút người tiêu dùng
Thị trường xe máy điện tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển sôi động với sự tăng trưởng cả về sản lượng lẫn sự quan tâm ngày càng lớn của tiêu dùng. VinFast - thương hiệu xe điện đang dẫn đầu về thị phần đã bán ra gần 71.000 xe máy điện trong năm 2024, tương đương gần 3% so với doanh số của mảng xe máy xăng (5 thành viên VAMM) bán ra trong cùng năm (2,65 triệu xe).
VinFast hiện sở hữu nhiều dòng xe máy điện với mẫu mã và giá thành khác nhau. Trong đó, phân khúc xe máy điện cao cấp (giá trên 30 triệu đồng) gồm các mẫu xe như Vinfast Theon S, Vinfast Vento S, Vinfast Vento NEO. Phân khúc xe máy điện tầm trung (giá từ 22 – 30 triệu đồng) gồm các mẫu xe như Vinfast Klara S2, Klara NEO, Vinfast Feliz. Phân khúc xe máy giá rẻ (chỉ từ 12 triệu đồng) có các mẫu xe như Vinfast Motio, Vinfast Evo200, Evo 200 Lite…
Các dòng xe máy điện VinFast bán trên thị trường hiện nay đều được tích hợp sẵn pin và sạc, và mức giá được niêm yết là đã có đủ các phụ kiện này.
Mới đây nhất, ngày 24/7 VinFast vừa công bố thêm hai mẫu xe máy điện mới là Evo Grand và Evo Grand Lite, hỗ trợ tối đa 2 pin dung lượng 2,4kWh có thể tháo rời, di chuyển được khoảng 262 km mỗi lần sạc đầy. Mức giá dành cho Evo Grand và Evo Grand Lite lần lượt là 21 triệu đồng và 18 triệu đồng. Mức giá dành cho bộ pin phụ thứ hai là 5 triệu đồng.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ khách hàng Hà Nội chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện theo tinh thần Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, VinFast còn triển khai các chính sách như giảm giá 10% khi mua xe, kết nối với các ngân hàng để người mua vay trả góp, tặng khách hàng có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại Hà Nội 100% lệ phí trước bạ, miễn phí sạc pin tại các trạm sạc công cộng V-Green, tổ chức chương trình “thu xe xăng - lên đời xe xanh”…

Một hãng xe điện nội khác là Dat Bike đang triển khai chương trình mua xe trả góp 0%, hỗ trợ đến 1,5 triệu đồng, hỗ trợ thủ tục giấy tờ xe cho đối tác tài xế công nghệ (Be, Grab) khi mua xe Dat Bike Quantum S2 để chuyển đổi từ xe xăng sang xe máy điện.
Bên cạnh các hãng xe nội, các hãng ngoại như Yadea, Honda, Yamaha,… cũng đang đẩy mạnh cuộc đua thu hút khách hàng.
Hãng xe điện đến từ Trung Quốc Yadea, gần đây bắt đầu thực hiện chương trình “đổi xăng lấy điện”, hỗ trợ thu mua xe máy xăng cũ, xe máy điện cũ của khách hàng mua xe máy điện Yadea mới (với giá từ 10 triệu đồng). Ngoài ra, hãng sẽ giảm trực tiếp 2 triệu đồng cho một số các dòng xe mà hãng phân phối.
Trước đó, từ giữa tháng 7, Honda Việt Nam đã tung ra ưu đãi voucher phụ kiện trị giá 2 triệu đồng hoặc trả góp 0% lãi suất thông qua các công ty tài chính cho các khách hàng mua mẫu xe gắn máy điện ICON e:. Đây là mẫu xe gắn máy điện đầu tiên được Honda Việt Nam bán ra thị trường từ hồi tháng 4/2025 với 3 phiên bản thể thao (27,3 triệu đồng), đặc biệt (27,1 triệu đồng) và cao cấp (26,9 triệu đồng), đã bao gồm VAT.
Ngoài ra, hãng xe đến từ Nhật Bản cũng triển khai dịch vụ cho thuê mẫu xe máy điện CUV e: với giá 1.472.727 đồng/tháng (đã gồm thuế VAT 8%), kèm theo 2 pin và 2 sạc. Người thuê cần đặt cọc 2 triệu đồng và lựa chọn kỳ thanh toán theo các gói 6 tháng đối với xe mới (8.836.362 đồng), hoặc 3 - 6 tháng đối với xe đã qua sử dụng (trên 2.500 km hoặc sử dụng quá 6 tháng).
Trong khi đó, Yamaha đang “mạnh tay” giảm giá dòng xe NEO’s - mẫu xe điện đầu tiên và duy nhất của hãng tại thị trường Việt Nam - với mức giảm trực tiếp tại các đại lý lên tới 16,2 triệu đồng so với giá niêm yết. Theo đó, giá bán thực tế còn khoảng 33 triệu đồng, thay vì mức niêm yết 49,1 triệu đồng như trước.
Những động thái trên của các hãng xe máy điện có thể mới là bước khởi đầu báo hiệu cho một cuộc đua giành thị phần khốc liệt hơn trong giai đoạn sắp tới, khi thị trường xe điện “nóng” lên từng ngày trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi giao thông xanh.
Giải bài toán hạ tầng và trạm sạc
Nhìn lại lịch sử hoạt động của thị trường xe máy điện, dù được hình thành từ đầu những năm 2000 nhưng phải đến năm 2018 khi VinFast gia nhập cuộc đua, thị trường mới có bước chuyển mình lớn. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi sang các phương tiện thân thiện với môi trường ở các thành phố lớn do áp lực ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng chính là tiền đề cho các hãng xe điện tăng tốc phát triển.
Đặc biệt, kế hoạch cấm xe máy xăng ở khu vực nội đô của Hà Nội và lộ trình chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện của TP.HCM khi bắt đầu triển khai được kỳ vọng sẽ là cú hích thúc đẩy doanh số xe máy điện.
Theo thống kê từ chuyên trang Motorcycles Data, phân khúc xe máy điện tại thị trường Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong 6 tháng đầu năm 2025. Trong đó, nhóm xe điện L1 (tương đương xe xăng dưới 50cc), vốn hướng tới đối tượng học sinh, sinh viên, ghi nhận mức tăng trưởng tới 112,6%. Nhóm xe điện L3 (tương đương trên 50cc) cũng tăng 52,6% so với cùng kỳ.
Trên thị trường xe hai bánh, theo Motorcycles Data, hãng xe điện VinFast ghi nhận doanh số 6 tháng đầu năm tăng trưởng 501% so với cùng kỳ, xếp thứ 3 về thị phần xe máy tại Việt Nam (chỉ sau Honda và Yamaha) và tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong phân khúc xe điện đang tăng trưởng nhanh chóng, xếp trên Yadea (tăng 37,5%), Dibao, Pega và nhiều hãng khác.
Tuy doanh số của phân khúc xe máy điện đang tăng trưởng mạnh nhưng theo Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), tỷ lệ sở hữu xe máy điện tại Việt Nam còn rất thấp, mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng xe hai bánh. Trong khi đó, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và ý thức về môi trường đang cải thiện rõ rệt. Dự báo đến năm 2030, xe máy điện có thể chiếm 30-40% tổng doanh số bán xe hai bánh. Nếu được hỗ trợ chính sách và hạ tầng hợp lý, thị trường này có thể đạt tới quy mô hàng triệu xe/năm.

Theo các chuyên gia, xe máy điện có chi phí vận hành thấp và giảm mạnh khí phát thải, rất phù hợp cho các đô thị lớn. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là thói quen tiêu dùng và sự thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là trạm sạc.
Hiện nay, mới chỉ có VinFast đầu tư hệ thống trạm sạc công cộng lớn, với hơn 3.000 trạm trên toàn quốc, song chỉ tương thích với xe của hãng này sản xuất. Dat Bike cũng đầu tư trạm sạc nhưng số lượng còn khiêm tốn và mới chỉ có ở TP.HCM. Những hãng còn lại bán xe điện hầu hết cho khách hàng sạc tại nhà hoặc mới ở mức trạm sạc tại đại lý. Đây cũng là một trong những rào cản ảnh hưởng đến quyết định mua xe điện của người tiêu dùng, nhất là tại các tỉnh và khu vực nông thôn.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ hiện nay mới chỉ tập trung cho ô tô điện, trong khi với các sản phẩm xe máy điện lại chưa có nhiều. Hệ sinh thái gồm sản xuất, pin, sạc, bảo dưỡng, tài chính và hành lang pháp lý cũng chưa đồng bộ... Đây là điều cần được điều chỉnh sớm để Việt Nam có thể thúc đẩy thị trường xe điện hai bánh phát triển bền vững.