Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho rằng, giá vàng sẽ được hưởng lợi từ thâm hụt ngân sách tăng vọt của Hoa Kỳ và bất ổn tài chính gia tăng, ngay cả khi không có cuộc khủng hoảng nào xảy ra trong thời gian tới.
Gần đây, thị trường vàng chịu áp lực bán ra lớn và đang bị mắc kẹt trong vùng 3.300-3.350 USD/ounce, thấp hơn khá nhiều so với đỉnh cao 3.500 USD/ounce ghi nhận hôm 22/4.
Vàng giảm giá chủ yếu do hoạt động chốt lời sau gần hai năm tăng mạnh, cùng với triển vọng ổn định tại Trung Đông. Một số tổ chức dự báo vàng có thể tạm thời giảm xuống dưới 3.000 USD/ounce trước khi tăng trở lại vào năm 2026-2027.
Như vậy, dự báo của Hội đồng Vàng Thế giới có thể không mâu thuẫn với áp lực bán ra trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, Mỹ phải đối mặt với hàng nghìn tỷ USD nợ mới. Với Dự luật 3B (One Big, Beautiful Bill) được thông qua, Mỹ đang đối mặt với khoản nợ bổ sung 3.400 tỷ USD trong thập kỷ lên tới 36,2 nghìn tỷ USD - và mức tăng trần nợ là 5.000 tỷ USD. Điều này chỉ không xảy ra khi Mỹ đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao như chính quyền Trump dự báo.

Bên cạnh đó, nước Mỹ và thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có căng thẳng địa chính trị vẫn còn cao ở nhiều khu vực, các cuộc chiến thương mại leo thang.
Thêm vào đó, những biến động chính trị nội bộ, như việc tỷ phú Elon Musk tuyên bố thành lập đảng mới, cũng tạo thêm lớp bất định cho kinh tế Mỹ.
Ông Ole Hansen - Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa của Saxo Bank, cho biết các yếu tố chính từng đẩy giá kim loại lên cao trong những năm gần đây vẫn còn hiệu lực, đồng thời những yếu tố hỗ trợ mới đang xuất hiện.
“Đáng chú ý nhất là triển vọng lãi suất Mỹ giảm có thể thổi bùng lại nhu cầu, nhất là với các quỹ ETF hỗ trợ bởi kim loại quý, do chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng sẽ giảm so với trái phiếu ngắn hạn” - ông nói.
Ông cũng nhấn mạnh điểm khác biệt của vàng, bạc và bạch kim so với các loại tài sản khác: “Kim loại quý mang tính trung lập về chính trị, không giống trái phiếu chính phủ hay tiền tệ pháp định. Chúng được công nhận toàn cầu là tài sản lưu giữ giá trị, không gắn với uy tín tín dụng của bất kỳ quốc gia nào. Đó là lý do vì sao các ngân hàng trung ương ngày càng phân bổ vàng vào dự trữ cốt lõi”.