Trần Lân

FLC xem xét thoái bớt vốn tại Bamboo Airways, lý giải nguyên nhân chậm công bố BCTC

FLC cho biết nhằm tái cấu trúc toàn bộ, doanh nghiệp sẽ thoái vốn khỏi các ngành nghề kinh doanh không đem lại hiệu quả và lợi nhuận ngay lập tức.

Sáng ngày 4/3, Tập đoàn FLC (UpCOM: FLC) đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ hai.

Trái chủ của FLC muốn đổi trái phiếu lấy bất động sản

Tại phần thảo luận, trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến việc hướng giải quyết khi cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch và thời điểm dự kiến cổ phiếu có thể được giao dịch trở lại, đại diện doanh nghiệp - bà Bùi Hải Huyền, Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết theo quy định của Luật chứng khoán và điều kiện giao dịch của sở chứng khoán thì cổ phiếu FLC thuộc đối tượng được giao dịch trở lại trên sàn Upcom.

Việc Uỷ ban Chứng khoán Hà Nội (HNX) đình chỉ giao dịch với cổ phiếu FLC ngay khi vừa lên UpCOM là căn cứ theo thực tế, do doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định.

Phía FLC đang nỗ lực hoàn thành Báo cáo tài chính kiểm toán đồng thời khuyến nghị cổ đông xem xét gửi đơn kiến nghị đến Uỷ ban chứng khoán nhà nước để đề xuất cho cổ phiếu FLC được giao dịch trở lại trên sàn Upcom

Khẳng định nhu cầu giao dịch cổ phiếu là vô cùng lớn, bà Huyền cho rằng cổ đông cần tác động nhiều hơn đến các cơ quan quản lý nhà nước để cổ phiếu FLC sớm được giao dịch trở lại.

Giải thích thêm về quyền lợi của cổ đông, Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC khẳng định cổ phiếu FLC chỉ bị tạm đình chỉ giao dịch chứ không bị mất do đó cổ đông vẫn được đảm bảo quyền lợi đối với cổ phiếu đang sở hữu.

Ngoài ra, các cổ đông vẫn được phép giao dịch mua bán cổ phiếu theo phương thức thoả thuận hiện có nhưng theo quy định của pháp luật, việc công nhận tư cách cổ đông sau giao dịch rất phức tạp.

Liên quan đến việc hoàn thành Báo cáo tài chính, bà Bùi Hải Huyền cho biết FLC đã chọn được đơn vị kiểm toán từ tháng 8/2022 tuy nhiên có một số nội dung hạch toán ngoại bảng ảnh hưởng đến Báo cáo tài chính kiểm toán nên hiện tại doanh nghiệp chưa thể hoàn thành và công bố như quy định.

Bà Huyền bày tỏ mong muốn đại hội đồng cổ đông sớm xem xét phê duyệt và thông qua phương án do HĐQT trình để sớm tìm được hướng giải quyết đối với Báo cáo tài chính, từ đó giúp cổ phiếu sớm được giao dịch trở lại.

Hồ sơ doanh nghiệp - FLC xem xét thoái bớt vốn tại Bamboo Airways, lý giải nguyên nhân chậm công bố BCTC

Toàn cảnh phiên họp.

Thông tin về việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, phía FLC cho biết từ năm 2020 đến nay doanh nghiệp này đã phát hành 4 lô trái phiếu, với trị giá hơn 2.000 tỷ đồng.

FLC đã mua lại trước hạn 3/4 lô. Còn lại 1 lô trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, các trái chủ sở hữu trái phiếu đang có nhu cầu giãn tiến độ thanh toán và hoán đổi bằng bất động sản.

“Lượng trái phiếu phát hành của FLC thuộc top thấp trên thị trường nếu so với quy mô của các doanh nghiệp lớn trong ngành như hiện nay”, đại diện Tập đoàn khẳng định.

Về tình hình doanh nghiệp, phía FLC cho biết thời gian vừa qua, FLC liên tục bị cưỡng chế thuế, hoá đơn, nợ thuế, tài khoản bị phong toả. Tập đoàn rơi vào liên tiếp các khó khăn đến từ suy thoái kinh tế, lãnh đạo vướng vòng lao lý, tổ chức tín dụng và nhà đầu tư đều cân nhắc dừng lại khiến tập đoàn bị ách tắc dòng tiền, kinh doanh khó khăn mới dẫn đến tình trạng nợ thuế.

Do đó, FLC đang cân nhắc xây dựng lại kế hoạch kinh doanh và tái đầu tư.

Phản hồi lại thắc mắc của cổ đông về ảnh hưởng của việc tái cấu trúc nhân sự, khi hàng loạt nhân sự xin từ nhiệm, ông Nguyễn Chí Công - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho rằng việc kiện toàn bộ máy nhân sự là mục tiêu chung do HĐQT đề ra nhằm phù hợp với tình hình kinh doanh và quy mô của FLC trong từng thời kỳ.

Việc ông Lê Tiến Dũng được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc của FLC là do nhiều lý do. Theo đó, ông Lê Tiến Dũng đã có thời gian thể hiện khả năng của bản thân trong quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược tại FLC Faros, có kinh nghiệm quản lý nhiều công ty xây dựng bất động sản.

“Việc chọn những nhân tố mới, làn gió mới là để có những hướng đi mới cho FLC trong thời gian tới”, ông Nguyễn Chí Công khẳng định.

Phó Tổng Giám đốc FLC cũng nhấn mạnh việc thay đổi nhân sự không phải là do có mâu thuẫn nội bộ mà là việc hoàn toàn tự nhiên. Theo đó, các thành viên từ nhiệm vẫn hỗ trợ thành viên mới về chuyển giao công việc, truyền đạt kinh nghiệm. Đồng thời việc thay đổi nhân sự lãnh đạo cũng không làm ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và định hướng chiến lược của công ty.

Ông Công cũng tiết lộ thêm, việc tái cơ cấu tập đoàn trong đó có việc nhân sự chủ chốt xin nghỉ đều có kế hoạch từ trước do đó nên việc tìm người thay thế cũng diễn ra rất nhanh chóng.

Cùng với đó, ông Công cho biết ông Dũng là nhân sự mới nên hiện chưa nắm nhiều cổ phần của công ty. Cùng với bối cảnh hiện nay cổ phiếu FLC khó để giao dịch nên vị lãnh đạo cũng chưa thể tăng sở hữu tại tập đoàn bởi lý do bất khả kháng.

Tuy nhiên ông Công chia sẻ bản thân ông và ông Dũng trong tương lai sẽ tăng sở hữu tại FLC nếu bối cảnh cổ phiếu diễn biến tích cực hơn.

FLC đang xem xét thoái bớt vốn khỏi Bamboo Airways

Liên quan đến định hướng phát triển tương lai của FLC, bà Trần Thị Hương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC một lần nữa nhấn mạnh hiện nay những khó khăn mà FLC đang phải đối diện là những khó khăn chung của thị trường.

Theo đó, trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp này đã liên tục cải tổ, tập trung vào 3 lĩnh vực bao gồm phát triển bất động sản, nghỉ dưỡng và M&A đầu tư. FLC khẳng định sẽ tiếp tục duy trì trách nhiệm với các sản phẩm đã bán để thu hồi công nợ.

Bà Trần Thị Hương cũng khẳng định thông tin các dự án của FLC đồng loạt bị thu hồi là chưa chính xác và FLC vẫn hoàn toàn có quyền được tham gia đấu thầu, đấu giá các dự án trong thời gian tới.

Hồ sơ doanh nghiệp - FLC xem xét thoái bớt vốn tại Bamboo Airways, lý giải nguyên nhân chậm công bố BCTC (Hình 2).

Tổng số cổ đông tham dự đại hội cổ đông ngày 4/3 của FLC có 279 cổ đông, đại diện cho trên 313,146 triệu cổ phần, chiếm tỉ lệ khoảng 44% vốn điều lệ FLC, đạt điều kiện trên 33% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc chuyển nhượng của FLC trong thời gian tới, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Lê Bá Nguyên cho biết trong bối cảnh bức tranh tài chính Việt Nam gặp nhiều khó khăn đặc biệt là FLC có những khó khăn nội tại, với mục tiêu tái cấu trúc tài chính, đầu tư.

Trong thời gian tới những khoản đầu tư chưa hiệu quả ngay hoặc chưa đạt kết quả về mặt tài chính, FLC sẽ chuyển nhượng các dự án, công ty con, công ty liên kết để có thêm nguồn thu.

Ông Nguyên cũng chia sẻ trước đó FLC đã được các tỉnh, thành phố trên cả nước chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư trên 300 dự án. Tuy nhiên, do tâm lý bị ảnh hưởng sau những biến cố của doanh nghiệp, nhiều địa phương đã rút dự án, đến nay FLC còn trên 200 dự án trên cả nước.

Trong thời gian tới, FLC sẽ tập trung đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực cốt lõi. Tín hiệu tích cực là nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đã muốn tham gia cũng FLC với các hình thức khác nhau.

FLC cũng đang xem xét chuyển nhượng cổ phiếu BAV của Hãng Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Tuy nhiên, nếu được cổ đông uỷ quyền chuyển nhượng vẫn cần sự đánh giá của các chuyên gia tài chính và xây dựng kế hoạch cụ thể.

“Tập đoàn mong muốn nhận được sự đồng hành của các quý cổ đông vượt qua tình hình vô cùng khó khăn hiện nay. Mong rằng qua cơn mưa trời lại sáng, FLC sẽ có thể phát triển hơn nữa trong tương lai", ông Lê Bá Nguyên nhấn mạnh.

Lùi giờ họp, FLC đủ điều kiện tổ chức đại hội cổ đông bất thường