Đầu tư bất động sản cao cấp tại Phú Quốc: Nguồn vốn vẫn là vấn đề lớn

Thị trường bất động sản Phú Quốc có nhiều tiềm năng lớn tuy nhiên mới chỉ tập trung BĐS du lịch, phân khúc nhà ở đô thị được sở hữu lâu dài mới ở giai đoạn đầu.

Tiềm năng động sản đô thị cao cấp

Phát biểu tại hội thảo "Bất động sản cao cấp đô thị Phú Quốc: Nhận diện dòng vốn và cơ hội đầu tư" sáng 24/8, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng Phú Quốc là một trung tâm du lịch khác biệt với chức năng đầu tiên là du lịch biển đảo. Đây là điểm đáng chú ý.

Phú Quốc từ một huyện đảo đã giành được một sân bay quốc tế và như thế Kiên Giang có tới 2 sân bay quốc tế mà không tỉnh nào có. Những "đại bàng" lớn, những doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đều có mặt.

"Tôi cho rằng nên để những "đại bàng" Việt bay tới, để phát triển theo kiểu Việt Nam. Hiện, có hơn 16 tỷ USD đã đổ vào Phú Quốc. Một hòn đảo hút được dòng vốn như thế là rất lớn. 10 năm vừa rồi, Phú Quốc là động lực rất lớn thúc đẩy kinh tế cho Kiên Giang. Nên Kiên Giang cũng rất ưu ái cho hòn đảo này. Xu thế vươn ra quốc tế của Phú Quốc cũng đang ở tầm rất cao", ông Thiên nhận định.

Theo ông Thiên, thời gian vừa qua, Phú Quốc đã được khẳng định là đô thị biển đảo đầu tiên của Việt Nam. Với cách tiếp cận về cơ chế, thể chế khác thường đó, Phú Quốc sẽ không đơn thuần là du lịch biển đảo nữa mà cần vượt trội về mặt đẳng cấp đô thị.

Yếu tố đẳng cấp sẽ quy định chức năng của đô thị tại Phú Quốc. Cụ thể, nhìn từ quy mô dân số, cần phải tổ chức dân số ở Phú Quốc sao cho hợp lý nhất. Phú Quốc cần thiết lập một vành đai dân số nếu không thành phố sẽ “lùn” xuống về mặt văn minh và văn hoá”, ông Thiên nhấn mạnh.

Đến năm 2030, Phú Quốc dự kiến đạt 500.000 dân, nhưng TS.Trần Đình Thiên cho rằng con số này là hơi ít mà sẽ còn tăng cao hơn nữa. Nhìn từ hình mẫu của Singapore, họ chỉ thu hút người dân giàu có đến sinh sống do đó thu nhập bình quân đầu người của họ luôn ở mức cao. Phú Quốc cũng có thể học hỏi cách tiếp cận như vậy.

Bất động sản - Đầu tư bất động sản cao cấp tại Phú Quốc: Nguồn vốn vẫn là vấn đề lớn

PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng tại hội thảo.

Ông Thiên cũng cho rằng: “Xu thế phát triển đẳng cấp đã được khẳng định tại thị trường bất động sản và Phú Quốc sẽ không nằm ngoài xu hướng này. Đặc biệt, việc mở rộng thu hút du lịch, khách quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước tại Phú Quốc sẽ còn tăng cao hơn nữa. Do đó, bất động sản đô thị cao cấp tại Phú Quốc sẽ còn trỗi dậy trong tương lai, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản”.

Về tiềm năng phát triển bất động sản tại Phú Quốc, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho biết: “Thời gian đầu từ năm 2015 đến nay, thị trường bất động sản Phú Quốc chủ yếu mới phát triển phân khúc bất động sản du lịch để đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách tăng rất nhanh trong giai đoạn này.

Sau giai đoạn đó, thị trường bất động sản Phú Quốc mới bắt đầu chú ý đến phân khúc nhà ở đô thị được sở hữu lâu dài, vì thế thời điểm hiện nay có thể coi mới ở giai đoạn đầu của phân khúc này. Chính vì ở giai đoạn đầu quỹ đất dồi dào nên dự án được cấp phép sẽ nhiều dẫn đến nguồn cung lớn, trong khi lực cầu còn dè dặt, vì vậy mà giá cả rất thích hợp để đầu tư và dư địa phát triển còn rất lớn”.

Ngoài ra, Phú Quốc mới đang trong quá trình phát triển nên cơ sở hạ tầng, cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội mới đang được đầu tư phát triển, chưa hoàn thiện, do đó mà nhu cầu nhà ở lâu dài chưa cao. Một khi hạ tầng từng bước được hoàn thiện sẽ kích thích và thu hút cư dân đến định cư làm tăng cầu nhà ở, đây là lực đẩy làm tăng giá trị của bất động sản, thậm chí là tăng mạnh, ông Doanh nói thêm.

Nguồn vốn cho vay từ khách mua là vấn đề lớn

Chia sẻ về cách thức huy động vốn và nhận diện dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp bất động sản, ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho biết: “Huy động vốn là câu hỏi rất nóng đối với không chỉ Tân Á Đại Thành mà còn nhiều doanh nghiệp bất động sản. Doanh nghiệp bất động sản có thể chia thành 2 giai đoạn huy động vốn.

Thứ nhất là cần huy động vốn cho quá trình phát triển dự án hay thi công xây dựng. Vốn để phục vụ cho quá trình này, Tân Á Đại Thành sẽ chuẩn bị sẵn cho kịch bản trong trường hợp huy động vốn từ ngân hàng có những khó khăn nhất định, thì chúng tôi cũng có những nguồn vốn từ những hoạt động khác”.

“Tân Á Đại Thành hoạt động trong ba lĩnh vực: công nghiệp, bất động sản và công nghệ. Vậy nên chúng tôi hoàn toàn có thể dựa vào nguồn lực của tập đoàn để có thể huy động cho những dự án, kể cả trong trường hợp tín dụng có những khó khăn từ chính sách hay các vấn đề vĩ mô khác”, ông Đức nói thêm.

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng nguồn vốn cho vay từ khách mua mới thật sự là vấn đề lớn. Khi khách mua tài sản nhà đất hình thành trong tương lai, thì phần lớn họ sẽ có nhu cầu vay. Nguồn vay bắt buộc phải từ ngân hàng, vì chủ đầu tư không thể cho vay được.

Đây là một vấn đề lớn bởi hiện nay hạn mức vay của ngân hàng đang là một trong những thách thức với người mua, bởi rất nhiều người có nhu cầu mua thật như do những hạn chế về nguồn vay cũng sẽ khiến họ có sự chần chừ nhất định, thậm chí có nhiều khách hàng đã đặt cọc nhưng phải kéo dài thêm thời gian để làm việc thêm với ngân hàng, phục vụ cho quá trình cam kết tài trợ mua bất động sản.

Bất động sản - Đầu tư bất động sản cao cấp tại Phú Quốc: Nguồn vốn vẫn là vấn đề lớn (Hình 2).

Ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành tại hội thảo.

Ông Đức cũng nhận định: “Thời gian tới, tôi được biết Ngân hàng Nhà nước cũng có những sự điều tiết lại để nới lỏng room tín dụng, thông hoà hơn trong quá trình mua bất động sản. Nếu không có việc này sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cho khách hàng mua, kéo đến khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản”.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin về lời khuyên cho những doanh nghiệp chưa có nguồn lực vốn như Tân Á Đại Thành, ông Đức cho biết thêm: “Tôi nghĩ rằng mỗi doanh nghiệp sẽ có những định hướng nhất định trong quá trình huy động vốn của mình. Tôi hình dung rằng ngoài nguồn tín dụng ngân hàng thì doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu”.

“Thậm chí khi việc phát hành trái phiếu có những khó khăn nhất định, thì doanh nghiệp có thể làm việc với các nhà thầu để có sự hợp tác, liên quan đến việc chia sẻ. Ví dụ như thay vì thanh toán cho các nhà thầu bằng tiền, có thể thanh toán cho họ bằng những sản phẩm về sau.

Doanh nghiệp cũng cần có những kịch bản cho nguồn vốn của mình, nhưng trong lúc nguồn vốn tín dụng đang có sự kiểm soát, chủ đầu tư và nhà thầu hoàn toàn có thể liên kết với nhau, tìm ra những giải pháp phù hợp để điều chỉnh tiến độ thanh toán hoặc có các hình thức thanh toán khác nhau”, ông Đức kết luận.

Thanh Hồng - Hồng Nhung