Trần Lân

Chính phủ đưa ra loạt giải pháp khơi thông dòng vốn vào bất động sản

Để gỡ khó cho thị trường BĐS, Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có tháo gỡ về vốn tín dụng, trái phiếu cho thị trường.

Theo dự thảo Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chính phủ nhận định trong thời gian qua và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động...

Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu của dự thảo là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản.

Gói tín dụng 110.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội

Trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó, Chính phủ đề xuất giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội không thu tiền sử dụng đất. Chủ đầu tư có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như nhà đầu tư trong nước được giao đất có thu tiền sử dụng đất, tức được chuyển nhượng nhà ở xã hội gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất. Việc quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất nhà ở xã hội đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.

Chính phủ cũng kiến nghị lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội theo hướng đấu thầu hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nếu có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Dự thảo nghị quyết của Chính phủ cũng bổ sung chính quyền địa phương và Tổng Liên đoàn lao động được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp.

Bất động sản - Chính phủ đưa ra loạt giải pháp khơi thông dòng vốn vào bất động sản

Chính phủ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội (Ảnh: TH).

Về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, Chính phủ đề xuất cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà ở xã hội tại khu công nghiệp để cho người lao động trong đơn vị thuê lại.

Đồng thời, cắt giảm điều kiện đối với trường hợp thuê nhà ở xã hội xuống chỉ cần là đối tượng thu nhập thấp, còn trường hợp mua, thuê thì chỉ cần đảm bảo 2 điều kiện khó khăn về nhà ở và thu nhập thấp.

Chính phủ cũng tập trung hoàn thiện, ban hành và triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Đặc biệt, Chính phủ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn giai đoạn 2022-2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện tốt trong giai đoạn 2013-2016). Trong đó, chủ đầu tư được dành 50% gói này, nửa còn lại dành cho người mua.

Chính phủ cũng yêu cầu tập trung triển khai Nghị quyết 11, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo chung cư cũ.

Giãn nợ gốc, lãi vay cho DN khó khăn

Để tháo gỡ nguồn vốn cho thị trường bất động sản nói chung, Chính phủ cũng đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng,...), đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Tiếp tục cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn.

Bất động sản - Chính phủ đưa ra loạt giải pháp khơi thông dòng vốn vào bất động sản (Hình 2).

Chính phủ cũng đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (Ảnh: Phạm Tùng).

Đặc biệt, ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp... Bên cạnh đó, cần có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.

Chính phủ cũng yêu cầu kiểm soát hoạt động huy động vốn, bao gồm hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Đồng thời, tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh... có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.

Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

3 luật quan trọng trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5

Với vướng mắc lớn nhất của thị trường liên quan đến pháp lý, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi.

Trong đó tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Chứng khoán...; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Nghị định quy định về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)...

Các Luật Nhà ở (sửa đổi), Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) được yêu cầu báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10.

Các địa phương đồng thời phải tập trung cải cách hành chính, đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư các dự án bất động sản.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức; bảo vệ người làm đúng nhằm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm... trong giải quyết công việc của một số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.