Bộ GTVT yêu cầu rà soát, kê khai để điều chỉnh giá cước vận tải

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị rà soát, kê khai để đánh giá việc điều chỉnh giá cước vận tải theo lĩnh vực phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào.
benxe-1659695641.jpg

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi các đơn vị trong ngành và sở giao thông vận tải địa phương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra tại Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các giải pháp của Chính phủ và theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, khoa học, hiệu quả, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đã đề ra, đảm bảo đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư (Tổng cục Thống kê) tính toán, tổ chức triển khai rà soát để chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng thị trường theo đúng quy định.

Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu cho ủy ban nhân dân tăng cường công tác tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai giá, niêm yết giá của đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn để đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ vận tải đường bộ phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời; báo cáo kết quả trước ngày 20/8/2022.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các sở giao thông vận tải triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê khai, niêm yết giá cước vận tải đường bộ và Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Các Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ vận tải theo lĩnh vực phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá.

Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời; kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi tình hình giá vật liệu xây dựng để kịp thời phản ánh, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

Chiều 3/8, trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, liên quan đến vấn đề giá xăng dầu giảm, giá dịch vụ vận tải tăng cao lý do là một trong những yếu tố cấu thành giá cước vận tải là giá nhiên liệu. Giá nhiên liệu tăng làm cho giá cước vận tải tăng để bù đắp chi phí là điều dễ hiểu.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, trong thời gian vừa qua, khi giá nhiên liệu tăng thì giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông tăng. Ví dụ, về đường bộ, theo thống kê của Bộ GTVT có đến 80 - 90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng từ 10 - 15%, vận tải hàng hóa tăng từ 7 - 10% nhằm bù đắp cho chi phí về xăng dầu. Còn đối với vận tải hành khách công cộng ở đô thị do có trợ giá nên giá không tăng.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, về đường sắt, mặc dù tỉ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chiếm đến 21-29% nhưng thời gian vừa qua do vận tải hành khách bằng đường sắt đang trong chương trình cạnh tranh nên giá không tăng. Chỉ có giá vận tải hàng hóa bằng đường sắt tăng từ 3 - 5%. Đường thủy nội địa tăng khoảng 10%. Riêng về hàng hải do trước đây giá tăng cao, hiện nay giá giảm 20 - 25% so với thời điểm cao nhất. Và thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu tăng, hàng hải là ngành có tỉ lệ cấu thành giá từ xăng dầu lớn, nhưng các hãng tàu cũng không có thông báo tăng giá. Như vậy chỉ có một số loại cước vận tải trong đó có đường bộ, đường thủy tăng.

"Phải nói là khi giá xăng dầu tăng thì giá vận tải tăng nhưng thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Thời gian đầu giá xăng dầu giảm nhưng giảm không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm. Trong thời gian qua, trước tình hình như vậy, Bộ GTVT đã có một loạt chỉ đạo các đơn vị để khẩn trương triển khai các công việc như rà soát để kê khai giảm giá", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho hay.

“Chúng tôi cũng kỳ vọng thời gian tới, khi giá xăng dầu tiếp tục giảm ổn định thì giá vận tải cũng giảm theo giá xăng dầu”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói.

Từ lần điều chỉnh ngày 1/7 tới nay, giá xăng dầu đã có 4 phiên liên tiếp giảm, đưa giá xăng RON 95 từ mức hơn 32 nghìn đồng/lít xuống còn hơn 25 nghìn đồng/lít đang áp dụng; dầu diesel từ mức 30 nghìn đồng/lít xuống còn gần 24 nghìn đồng/lít. Hiện mặt bằng giá nhiên liệu tương đương hồi tháng 2/2022.

Tuệ Minh (tổng hợp)