Tại buổi họp trực tuyến đầu tiên với các sở, ngành và 168 xã, phường sau hợp nhất, Chủ tịch UBND TP.HCM -Nguyễn Văn Được, nhấn mạnh: Thành phố mới cần khai thác tối đa nguồn lực hiện có, trong đó Becamex là một trong những tập đoàn đủ mạnh, nhưng cần thêm ít nhất một tập đoàn kinh tế tương đương để tạo động lực bứt phá.

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) khởi đầu vào năm 1976 với tên gọi Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Bến Cát, chuyên thu mua nông sản và phân phối hàng tiêu dùng. Sau nhiều lần tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình Tổng công ty vào năm 2010 và cổ phần hóa vào năm 2018, Becamex IDC chính thức niêm yết trên sàn HOSE năm 2020. Sau gần nửa thế kỷ phát triển, tập đoàn này đã vươn lên trở thành nhà phát triển bất động sản công nghiệp và đô thị hàng đầu cả nước.
Với 25 công ty con hoạt động trong đa lĩnh vực từ xây dựng, thương mại, bất động sản, công nghệ thông tin, đến giáo dục và y tế, Becamex IDC xây dựng một hệ sinh thái kinh tế đa ngành, đồng bộ và bền vững. Một số đơn vị thành viên đã được niêm yết như TDC, IJC, ACC hay BCE, cho thấy năng lực vận hành và minh bạch tài chính đang ngày càng được nâng cao.

Becamex IDC hiện là nhà đầu tư khu công nghiệp lớn nhất tại Bình Dương cũ, trực tiếp vận hành 7 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 4.700 ha, chiếm hơn 30% thị phần toàn tỉnh và xếp thứ ba toàn quốc với 3,6% thị phần. Không chỉ dừng lại ở phạm vi tỉnh, Becamex còn liên doanh với phía Singapore để thành lập VSIP – mô hình khu công nghiệp và đô thị tích hợp hàng đầu cả nước với 12 dự án, tổng diện tích vượt 10.000 ha.
Chiến lược phát triển của Becamex không tách rời công nghiệp khỏi đô thị. Tập đoàn này luôn đầu tư đồng bộ các khu dân cư, trung tâm thương mại, nhà ở công nhân, khách sạn, và các tiện ích công cộng như bệnh viện, trường học... ngay cạnh khu công nghiệp, tạo nên không gian sống và làm việc bền vững, hiện đại.
Theo báo cáo tài chính năm 2024 của Becamex IDC, vốn chủ sở hữu của Becamex IDC đạt gần 20.500 tỷ đồng, tổng tài sản lên tới 58.800 tỷ đồng – cao gấp 2,6 lần doanh nghiệp nhà nước lớn thứ hai là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Dù doanh thu thuần năm 2024 chỉ đạt 5.239 tỷ đồng – mức thấp nhất trong một thập kỷ qua – nhưng nhờ biên lợi nhuận gộp đạt tới 66,8% và khoản lãi 1.948 tỷ đồng từ các liên doanh, Becamex vẫn báo lãi sau thuế 2.395 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước.
Năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu đầy tham vọng với doanh thu 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.470 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch này, Becamex sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả tài chính hàng đầu TP.HCM.
Tuy chỉ đứng thứ 10 về doanh thu trong số các doanh nghiệp nhà nước thành phố mới, nhưng Becamex lại đứng thứ 2 về lợi nhuận, chỉ sau “ông vua thương mại” Satra – đơn vị đang vận hành chuỗi siêu thị SatraMart, cửa hàng Satrafoods và đặc biệt là hưởng lợi lớn từ liên doanh với Heineken.
Becamex IDC hiện vẫn là doanh nghiệp nhà nước khi UBND tỉnh Bình Dương (trước sáp nhập) nắm giữ tới 95,44% vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo Quyết định phê duyệt của Phó Thủ tướng Chính phủ -Lê Minh Khái ngày 17/5/2024, tỷ lệ vốn Nhà nước sẽ giảm còn trên 65% đến hết năm 2025. Đây là bước đi chiến lược nhằm tăng tính tự chủ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và minh bạch hóa hoạt động kinh doanh.
Tính đến tháng 7/2025, với vốn hóa thị trường gần 68.000 tỷ đồng, Becamex IDC đang dần tiệm cận nhóm doanh nghiệp có ảnh hưởng quốc gia. Việc lãnh đạo TP.HCM đề xuất “nhân bản mô hình Becamex” là một một minh chứng cụ thể cho thấy vai trò của tập đoàn này không chỉ nằm ở con số tài sản, mà còn ở mô hình phát triển bền vững, tích hợp và hiện đại – đúng với tinh thần chuyển đổi của một đô thị công nghiệp – dịch vụ – đổi mới sáng tạo trong tương lai.
Bên cạnh đó, Becamex IDC đã và đang thúc đẩy ứng dụng chuyển dịch năng lượng xanh tại Bình Dương cũ, đặt các yếu tố phát triển bền vững, kiến tạo lợi thế cho nhà đầu tư thực hiện ESG và các mục tiêu Net Zero thông qua hợp tác với các đối tác quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (World Bank) nghiên cứu thúc đẩy cơ hội phát triển Khu công nghiệp Sinh thái (EIP) đầu tiên ở Việt Nam theo khung quốc tế EIP 2.0 của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), World Bank và Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ), đồng thời đáp ứng các tiêu chí theo định hướng trong Nghị định số 35/2022/NĐ–CP của Chính phủ Việt Nam. Hệ sinh thái EIP kiểu mới là xu hướng phát triển quan trọng và tất yếu của thời đại, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường, xã hội và nâng cao hiệu quả quản trị, bổ sung cho mô hình Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ tích hợp hiện hữu của Becamex IDC.

Becamex IDC không chỉ là một "Doanh nghiệp đầu ngành" trong giới đầu tư hạ tầng, mà còn là một hình mẫu phát triển tích hợp đáng để TP.HCM nghiên cứu, học hỏi và nhân rộng. Trong giai đoạn chuyển mình của TP Hồ Chí Minh mới sau hợp nhất, sự hiện diện và đóng góp của những tập đoàn như Becamex sẽ là yếu tố quyết định giúp hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững.