Trần Lân

TP.HCM: Nhiều mặt hàng tăng giá từ đầu tháng 4

Bắt đầu từ tháng 4/2022, thị trường thực phẩm tại TP.HCM có nhiều mặt hàng điều chỉnh và áp dụng mức giá mới. Trong đó, nhóm hàng thịt gia cầm được điều chỉnh tăng từ 7 - 14% so với năm 2021; trứng gia cầm tăng 6 - 7%...

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM chiều 28/3, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, thông tin, hết tháng 3, chương trình bình ổn giá năm 2021 sẽ kết thúc. Do đó, các mặt hàng sẽ được điều chỉnh giá từ đầu tháng 4.

"TPHCM sẽ triển khai chương trình bình ổn giá năm 2022 kể từ đầu tháng 4. Việc điều chỉnh giá do Sở Tài Chính chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp và thực hiện", ông Phương chia sẻ.

Trong đó, TPHCM đã đồng loạt điều chỉnh nhóm mặt hàng bình ổn giá, cũng như các nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác, bên cạnh giá gas, xăng, dầu...

vnapotalvinhphucsieuthicoopmartthuchiennhieubienphapphongchongdichcovid-196030328-1648803924861129706171-1648859678.jpg Nhiều mặt hàng tăng giá từ tháng 4/2022. Ảnh minh họa.

Điển hình, nhiều thương hiệu gas cũng thông báo áp dụng mức giá mới từ hôm nay (ngày 1/4) và đã thực hiện điều chỉnh giá tăng so với thời điểm cuối tháng 3/2022. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro CO.,Ltd) thông báo, giá bán let gas SP tăng 1.167 đồng/kg (đã VAT), tương đương 14.000 đồng bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức khoảng 516.000 đồng bình 12kg.

Tương tự, Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG Việt Nam thông báo giá bán bình PetroVietNam Gas tăng 1.167 đồng/kg, tương đương 14.000 đồng bình 12kg và 52.500 đồng bình 45kg so với tháng 3/2022. Lý giải nguyên giá gas được điều chỉnh tăng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cho biết, ngày 31/3/2022, giá CP bình quân tháng 4/2022 chính thức là 950 USD/tấn, tăng 42,5 USD/tấn so với tháng 3/2022.

Còn Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cũng công bố giá bán các mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, áp dụng từ ngày 2/4. Trong đó, nhóm rau, củ, quả và thủy, hải sản sẽ có giá bán tùy vào thời điểm, nhưng đảm bảo phải thấp hơn ít nhất từ 5 - 10% so với giá bán thị trường.

Nhóm mặt hàng thịt lợn, gạo, đường ăn, muối ăn, dầu ăn... sữa, đồ khô, văn phòng phẩm... vẫn giữ nguyên như năm 2021. Cụ thể, thịt lợn đùi 104.000 đồng/kg, thịt lợn vai 130.000 đồng/kg, thịt lợn cốt lết 125.000 đồng/kg; gạo trắng thường 5% tấm là 14.500 đồng/kg (không bao bì) và 15.500 đồng/kg (bao bì PA/PE, túi 5kg), gạo Jasmine 15.500 đồng/kg (không bao bì) và 17.000 đồng/kg (bao bì PA/PE, túi 5kg)....

Một số mặt hàng khác, gồm: đường RE là 24.500 đồng/kg, đường tinh luyện An Khê là 25.000 đồng/kg và muối ăn i-ốt là 4.300 đồng/túi; dầu ăn thực vật Nakydaco là 40.500 đồng/lít, 81.000 đồng/bình 2 lít và 202.500 đồng/can 5 lít, dầu ăn Cooking là 40.300 đồng/lít.

Riêng giá bán nhóm hàng thịt gia cầm được điều chỉnh tăng từ 7 - 14% so với năm 2021; trứng gia cầm tăng 6 - 7%... Theo đó, giá bán mới của mặt hàng thịt gà ta là 90.000 đồng/kg, thịt gà tam hoàng 67.000 đồng/kg, gà công nghiệp 45.000 đồng/kg và thịt vịt 68.000 đồng/kg; trứng gà lên 29.500 đồng/vỉ 10 trứng, trứng vịt 35.000 đồng/vỉ 10 trứng...

Lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM phân tích thêm, khi tham gia chương trình bình ổn giá hàng hóa, các doanh nghiệp được sử dụng logo, thương hiệu của chương trình này để khai thác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là thương hiệu có uy tín để người tiêu dùng tin tưởng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bình ổn giá sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi tham gia các gói hỗ trợ chính thức từ TPHCM như kích cầu tiêu dùng, kết nối tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Doanh nghiệp cũng được ưu tiên tham gia các mức tín dụng, lãi suất ưu đãi tốt hơn so với các doanh nghiệp khác trên thị trường.

Một lợi ích nữa cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá là được tạo điều kiện tiếp cận các mặt bằng trống tại địa bàn, xe vận chuyển hàng hóa bình ổn cũng được tạo điều kiện lưu thông giờ cao điểm. Mức chiết khấu cho các doanh nghiệp từ hệ thống phân phối cũng tốt hơn các đơn vị không tham gia chương trình.