Những vấn đề pháp lý về NFT tại thị trường Việt Nam (kỳ 2)

(Pháp lý) - Theo xu hướng thế giới, thị trường giao dịch NFT ở Việt Nam đang diễn ra sôi nổi và hứa hẹn tiềm năng phát triển. Dù vậy để phát triển bền vững, đòi hỏi cần có khung pháp lý điều chỉnh và các quy định sớm về thuế nhằm tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Giá trị pháp lý còn ‘mập mờ’ 

Hiện nay NFT chưa được xếp vào bất kỳ loại tài sản nào trong 04 loại tài sản theo quy định Bộ luật dân sự. Các giao dịch NFT hiện nay không được coi là giao dịch chuyển nhượng tài sản, cho nên chưa thể đánh thuế vào phần lợi tức phát sinh của nhà đầu tư. 

Theo các chuyên gia, nếu công nhận NFT là một loại tài sản thì cũng phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều luật và văn bản pháp luật từ dân sự, đầu tư, kinh doanh, giao dịch điện tử cho đến ngân hàng… Khối lượng công việc sẽ rất lớn. Tuy nhiên, ngay cả các đơn vị bộ ngành cũng chưa có cách hiểu thống nhất về loại tài sản mới này. 

Chẳng hạn như vụ Bitcoin, năm 2016 Bộ Công Thương và Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn có thể hiểu Bitcoin là một loại tài sản và là hàng hóa, cho nên khi đầu tư thì phải nộp thuế. Thế nhưng một năm sau, trong một vụ án ở tỉnh Bến Tre, Tòa án lại có quan điểm cho rằng do Bitcoin chưa được pháp luật quy định nên không phải là tài sản và đương nhiên chủ đầu tư không phải nộp thuế. 

Trên góc độ doanh nghiệp, tại Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện một số nền tảng có ứng dụng công nghệ NFT đã được thành lập, dù vậy không thể không nói rằng hoạt động của các doanh nghiệp còn đang hết sức hạn chế. 

Hiện nay, trên các nền tảng NFT hoạt động chính thống, tức là có pháp nhân đăng ký hoạt động tại Việt Nam, thì hầu hết sản phẩm NFT đều phải gắn liền với tài sản thực. Nghĩa là đối tượng trong các giao dịch vẫn là tài sản thực, như tranh ảnh, đồng xu, bình cổ, bộ sưu tập…, điểm khác chỉ là tài sản này được tạo lập kèm với một NFT bằng công nghệ blockchain. Điều này khiến NFT đóng vai trò như một chứng chỉ chống hàng giả hơn là việc mang lại giá trị cho người bán như một loại tài sản riêng biệt. Đây có thể là điểm gián tiếp làm giảm giá trị của tác phẩm Việt trên thị trường. 

AvatarArt là một nền tảng giao dịch tranh NFT ở Việt Nam có hoạt động tương tự theo cơ chế này. Theo đó, người bán bắt buộc phải mang tác phẩm tranh thực tế đến các trung tâm lưu ký để lưu trữ sau khi đã tạo kết nối với NFT bán cho người mua. 

 

anh-1-1645018509.jpg Lưu ký tác phẩm nghệ thuật – một giai đoạn trong quá trình giao dịch tranh dạng NFT tại Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường nước ngoài thì giao dịch thường không diễn ra như vậy. Thông thường, người bán tác phẩm dạng NFT chỉ việc kết nối tác phẩm của mình trên nền tảng mua bán NFT, sau đó là đợi người mua tham gia giao dịch. Do thiếu khung pháp lý về NFT, nên tại Việt Nam thủ tục giao dịch phức tạp hơn và việc thành lập các trung tâm lưu ký như trên cũng vướng phải không ít khó khăn. 

Trên khía cạnh của một nhà đầu tư, việc mua bán một tài sản dạng NFT thực sự chứa đựng nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Trước hết là bởi NFT chưa được công nhận là một loại tài sản, nên việc giao dịch không chịu sự can thiệp của pháp luật. Trong tình huống đó, trên thị trường lại xuất hiện những người tạo NFT cho nội dung không thuộc về họ, hay nói cách khác họ ‘ăn trộm’ hình ảnh tác phẩm của người khác rồi kết nối NFT để đem bán như là tác phẩm của chính mình. Với đặc tính ẩn danh của công nghệ blockchain, nhà đầu tư khó có thể phân biệt được người khởi tạo NFT liệu có phải là chính tác giả của tác phẩm đó hay không. 

Thứ hai là rủi ro trong ‘hợp đồng thông minh’. Bất cứ giao dịch NFT nào cũng có một ‘hợp đồng thông minh’ kèm theo. Hợp đồng này chứa đựng các điều khoản liên quan đến việc chuyển nhượng quyền tác giả đồng thời chuyển nhượng quyền sở hữu NFT. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay, hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả có yêu cầu nghiêm ngặt về mặt hình thức, do đó ngôn ngữ lập trình của ‘hợp đồng thông minh’ đòi hỏi phải đảm bảo thỏa mãn yêu cầu này, nếu không muốn hợp đồng bị coi là vô hiệu về mặt pháp lý. 

Thu thuế giao dịch NFT: dễ hay khó? 

Thu thuế đối với giao dịch NFT tại Việt Nam hiện nay có thể được thu theo thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể xem xét đến thuế bảo vệ môi trường vì hoạt động tạo dựng và vận hành hệ thống liên quan đến đúc NFT tiêu tốn một lượng lớn năng lượng, góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm môi trường. 

Theo pháp luật Việt Nam hiện nay, thuế thu nhập cá nhân được tính dựa trên cơ sở thu nhập từ tiền công, tiền lương; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ quyền liên quan đến quyền tác giả, nhượng quyền thương mại; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ thừa kế, quà tặng; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bất động sản. 

Vậy thu nhập từ giao dịch NFT có thể xếp vào loại thu nhập nào để có cơ sở thu thuế? Việc chưa công nhận NFT là một loại tài sản khiến cho không thể xếp thu nhập từ hoạt động này vào bất kỳ loại thu nhập nào. Thêm nữa, vấn đề ẩn danh trong các giao dịch tiền điện tử hiện nay có thể là yếu tố gây khó khăn cho cơ quan thuế khi xác định thu nhập của cá nhân tham gia giao dịch.  

Đối với các doanh nghiệp, việc xác định cơ sở thu thuế có vẻ dễ dàng hơn. Thu nhập từ việc cung cấp nền tảng giao dịch tác phẩm NFT hay cung cấp trò chơi NFT nằm trong thu nhập từ hoạt động kinh doanh, sản xuất, do đó đây là cơ sở bắt buộc doanh nghiệp phải nộp thuế. Nhưng trên thực tế, việc thu thuế các doanh nghiệp này không thực sự dễ dàng. 

Tựa game Axie Infinity của Sky Mavis là một ví dụ. Mặc dù là tựa game đang được định giá hàng tỉ đô trên thị trường, nhưng theo đại diện Cục thuế TP.HCM, số tiền thuế mà doanh nghiệp này đã đóng cho ngân sách nhà nước vẫn là… 0 đồng. 

Vẫn cần thêm sự vào cuộc của cơ quan thuế để làm rõ nghịch lý này, nhưng chắc chắn rằng với trình độ công nghệ hiện tại, có tồn tại các hệ thống giao dịch giữa Sky Mavis, nhà đầu tư và người chơi mà nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đây là lý do khiến việc thu thuế doanh nghiệp các doanh nghiệp kinh doanh NFT vẫn gặp nhiều khó khăn. 

 

anh-2-1645018537.jpg Hoạt động thu thuế đối với doanh nghiệp phát hành game NFT tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn

Có nên công nhận NFT như một loại tài sản? 

Hiện nay, NFT đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như thời trang, ẩm thực, nghệ thuật, tài chính, ... và trong tương lai có thể ứng dụng ở bất kỳ lĩnh vực nào. Do đó, vấn đề pháp luật công nhận NFT hay không công nhận NFT thực sự trở nên quan trọng. 

Nếu tiến tới công nhận NFT và các sản phẩm mã hóa là tài sản thì vấn đề tiếp theo được đặt ra là chúng sẽ thuộc loại tài sản nào trong các loại tài sản được Bộ luật dân sự hiện nay quy định? Hay sẽ được coi là một loại tài sản mới? Điều này đòi hỏi có cách hiểu thống nhất từ các cấp để tránh cách hiểu chồng chéo về các loại tài sản. Theo các nhà hoạch định chính sách nhận định, việc công nhận NFT chỉ là vấn đề thời gian vì nó đã, đang và sẽ còn tồn tại trong nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên việc công nhận NFT ở Việt Nam vẫn là câu chuyện của tương lai. Với tiềm lực hiện tại, Chính phủ đang có cách tiếp cận công nghệ mới được cho là phù hợp hơn, đó là: thận trọng và chờ đợi. Nói cho cùng, thị trường NFT hiện nay vẫn còn non trẻ, đang trong quá trình định hình, hơn nữa, vẫn còn nhiều vấn đề tiêu cực liên quan đến nó như: bong bóng đầu cơ, tạo cung - cầu giả, tạo bản sao trái phép, kết nối NFT trái phép... Cho nên cho đến khi bản thân thị trường có cơ chế chung để giảm thiểu những yếu tố rủi ro này, việc công nhận NFT như một tài sản trong pháp luật có thể làm gia tăng các hành vi vi phạm pháp luật không cần thiết. 

Trong năm 2021, mở đầu cho việc tiếp cận công nghệ mới này, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì nghiên cứu, thí điểm về việc sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain. Dù vậy, cũng cần sự đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực công nghệ tiềm năng này để đón đầu xu thế kinh tế trong tương lai. 

Thay lời kết

Dù còn nhiều rủi ro pháp lý, thị trường NFT vẫn hứa hẹn là một lĩnh vực quan trọng trong ngành công nghiệp tiền điện tử. Việc Chính phủ có cách tiếp cận sớm, đưa ra đường lối, chính sách phù hợp sẽ góp phần giúp Việt Nam đón đầu xu thế công nghệ này trong tương lai. Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ đề cập đến kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới khi quy định khung pháp lý về NFT và khả năng áp dụng tại Việt Nam hiện nay.