Nhận diện những thủ đoạn của tội phạm lừa đảo thông qua hình thức huy động vốn, hợp tác kinh doanh

Nghiên cứu loạt vụ án, vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động huy động vốn, hợp tác đầu tư kinh doanh.. cho thấy điểm chung là các đối tượng tội phạm sử dụng các thủ đoạn “núp bóng” các hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư để qua mắt cơ quan chức năng; “ vẽ” ra các dự án đầu tư qui mô lớn, nhưng “ ảo”, đánh vào sự nhẹ dạ, lòng tham, “ che mắt” nhà đầu tư bằng lãi suất đặc biệt cao…

 

1-1695302347.jpg

Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng "chiêu" hợp tác kinh doanh, cam kết đầu tư nhận lãi “khủng” để kêu gọi nhà đầu tư tham gia

Liên tiếp các vụ lừa đảo hàng nghìn người, thiệt hại hàng nghìn tỉ.

Mới đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Vũ Thị Thúy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty Bất động sản Nhật Nam) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Quá trình điều tra, bước đầu xác định: Vũ Thị Thúy đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án, cam kết trả lãi suất từ 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào Công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Vũ Thị Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng hơn 10.000 cá nhân với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đang khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Vũ Thị Thúy và đồng phạm; kê biên, xác minh thu hồi tài sản cho người bị hại.

2-1695302383.jpg

 

Vũ Thị Thuý - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam bị khởi tố điều tra với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng hơn 10.000 cá nhân với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng

Trước đó ngày 14/3, là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo của Công ty CP Tập đoàn Bankland bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội khởi tố. Theo điều tra ban đầu, doanh nghiệp này đã tổ chức hàng loạt hội nghị, sự kiện để quảng cáo về nhiều ngành nghề kinh doanh (như bất động sản, mua bán ô tô, cổ phiếu nội bộ...) để kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn. Nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi suất kỳ hạn từ 6 đến 72 tháng với mức 43,2%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế Bankland không có bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào.

Cơ quan công an xác định có khoảng 4.000 nhà đầu tư đã ký hơn 7.000 hợp đồng hợp tác đầu tư với số tiền góp vốn trên 400 tỷ đồng vào Công ty Bankland.

Hay như một trường hợp khác, ngày 14/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM cho biết đã khởi tố vụ án hình sự “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, thông qua hình thức huy động đầu tư vào Tập đoàn Trường Tiền xảy ra tại TPHCM, TP Hà Nội và nhiều địa phương khác.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã nhận đơn của nhiều cá nhân tố giác Tập đoàn này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, cuối năm 2018 đến 2019, nhiều người đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng tự nguyện ủy quyền góp vốn đầu tư các dự án, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với hai cá nhân của Tập đoàn Trường Tiền. Sau khi nhận được tiền từ khách hàng, Tập đoàn Trường Tiền chỉ chi trả lợi nhuận cho khách trong một thời gian ngắn rồi ngưng, có dấu hiệu trốn tránh. Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 200 người tố cáo tập đoàn này chiếm đoạt gần 180 tỷ đồng…

Ngoài những vụ án mà cơ quan điều tra công an các tỉnh thành khởi tố điều tra về dấu hiệu lừa đảo trong huy động vốn của một số doanh nghiệp nêu trên, còn có rất nhiều trường hợp huy động vốn vào các dự án đầu tư kinh doanh theo dạng hợp đồng hợp tác đầu tư mà báo chí phản ánh có dấu hiệu lừa đảo, đồng thời cơ quan công an đã và đang vào cuộc xác minh làm rõ.

Điển hình như trường hợp huy động vốn vào dự án trồng Sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh. Cụ thể, những ngày qua, nhiều người dân  đã viết đơn tố giác gửi Công an quận Cầu Giấy vào cuộc điều tra làm rõ về Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng cáo dự án trồng cây Sâm Ngọc Linh.

Theo đó, Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh đã thực hiện hàng loạt quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội, trang web và tổ chức các hội thảo mời người dân đến để mời gọi các nhà đầu tư cùng tham gia thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh. Có không ít nhà đầu tư đã tin tưởng mà bỏ tiền vào các “Hợp đồng hợp tác đầu tư góp vốn hợp tác đầu tư trồng sâm Ngọc Linh” của Tập đoàn Mỹ Hạnh, thậm chí có người lôi kéo cả anh em, gia đình đầu tư vào doanh nghiệp này. Số tiền đầu tư giao động từ hàng trăm đến vài tỷ đồng. Hiện cơ quan công an đang khẩn trương tiến hành xác minh, điều tra theo thẩm quyền.

Tương tự như trường hợp huy động vốn hàng nghìn tỉ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam (Tập đoàn Sen Tài Thu) cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận bởi hàng loạt những dấu hiệu bất thường mà báo chí phản ánh thời gian gần đây.

Cụ thể, Tập đoàn Sen Tài Thu đã huy động vốn 1.021 tỉ đồng dưới hình thức chào bán cổ phần và cam kết sẽ mua lại với lãi suất 12%/năm nhưng đến nay đã mất khả năng chi trả theo cam kết. Hiện cơ quan công an đang vào cuộc thu thập hồ sơ, xác minh theo đơn tố cáo của các nhà đầu tư vào công ty này.

Nhận diện những thủ đoạn của tội phạm lừa đảo thông qua hình thức huy động vốn, hợp tác kinh doanh

Nghiên cứu các vụ án, vụ việc nêu trên cho thấy điểm chung là các đối tượng tội phạm sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi và rất bài bản nhằm đánh vào sự nhẹ dạ, lòng tham của nhà đầu tư về lãi suất cao ngất ngưởng để kêu gọi đầu tư tham gia sau đó chiếm đoạt tiền. Trong đó, thường thấy những chiêu thức, thủ đoạn điển hình như:

“Vẽ” ra các dự án đầu tư qui mô hoành tráng, nhưng thực tế là dự án “ảo”

Đầu tiên để thu hút nhà đầu tư quan tâm các đối tượng thường vẽ ra các dự án đầu tư lớn, gắn với các phương thức kinh doanh, đầu tư có yếu tố công nghệ, hệ sinh thái phủ rộng khắp các lĩnh vực, nhưng thực chất không có hoạt động kinh doanh gì.

Điển hình như trường hợp của Công ty Nhật Nam đã thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án bất động sản, dự án đầu tư, có lợi nhuận cao để huy động vốn của nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn công ty này.  Theo đó, Công ty Nhật Nam quảng cáo có rất nhiều dự án mà công ty này là chủ đầu tư hay liên doanh, liên kết với các đối tác khác. Ngoài ra, công ty này cũng giới thiệu đang sở hữu quỹ đất dồi dào tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, ngoài trụ sở chính tại TP HCM còn có 12 chi nhánh trên cả nước và đang sở hữu quỹ đất rộng lớn nằm tại những vị trí đắc địa ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Thanh Hóa, Buôn Mê Thuột, Phú Quốc,…

Cụ thể, Nhật Nam thống kê gồm có 23.000m2 đất tại Buôn Đôn (Đắk Lắk) với 41 “sổ đỏ”; 70.000m2 đất tại Phú Quốc trong đó có 35 lô có sổ đỏ; 120.000m2 đất tại Bến Cầu, Tây Ninh; 20 lô đất tại Mỹ Đức, Hà Nội; 4 quỹ đất tại Lợi Thuận 1,2,3,4, Tây Ninh; khu biệt thự cao cấp Nhật Nam tại Hà Nội với tổng diện tích 16.318m2 với 39 lô có sổ đỏ… Tuy nhiên, thực tế có không ít các khu đất trong số đó là đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc do các cá nhân (không phải lãnh đạo Nhật Nam) đứng tên.

3-1695302384.jpg

 

Nhật Nam cam kết lợi nhuận khủng, đưa ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại, kích cầu với các quà tặng có giá trị lớn để thu hút nhà đầu tư.

Cũng tương tự, Công ty Cổ phần tập đoàn Bankland liên tục tổ chức hội nghị, sự kiện để quảng cáo, mở bán dự án bất động sản nhằm thu hút người tham gia. Tuy nhiên, Cơ quan chức năng xác định những dự án bất động sản mà Công ty Bankland quảng cáo là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng và chưa được cấp phép đầu tư…

Che mắt nhà đầu tư bằng cam kết trả lợi nhuận “siêu cao”, trả thưởng “khủng”

Tiếp đó, để nhà đầu tư xuống tiền các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều người, đưa ra cam kết lợi nhuận khủng từ 20-30 %, có những trường hợp lên đến 50 -70% năm hoặc đưa ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại, kích cầu với các quà tặng có giá trị lớn… 

Các cam kết này chỉ là hứa hẹn, chứ  không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản, bảo lãnh ngân hàng. Thậm chí, trong thời gian đầu các đối tượng  trả lãi, trả lợi nhuận đầy đủ sau đó liên tục “khất lần” mà không thực hiện thực hiện cam kết. Thực chất, các đối tượng lừa đảo thường lấy tiền của người sau trả cho người trước. Đây là những chiêu trò khá phổ biến mà các đối tượng khiến cho nhà đầu tư tin tưởng, nhằm mục đích lôi kéo nhà đầu ký kết hợp đồng.

Điều này có thể thấy rõ trong vụ BĐS Nhật Nam, Theo thông tin của cơ quan chức năng, bà Vũ Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam - đã đưa thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án bất động sản, cam kết trả lãi 34 - 46%, thậm chí là 80% để người dân tin tưởng nộp tiền.

Hay như trong vụ Công ty Bankland, để huy động được nhiều người tham gia nộp tiền, Quản Văn Dương và Nguyễn Thị Như (lãnh đạo công ty) đã liên tục ký ban hành văn bản thông báo về việc ra các chương trình ưu đãi thi đua, khuyến mại, kích cầu với các quà tặng có giá trị lớn (không kể lãi suất đã cam kết) để thu hút nhiều người tham gia nộp tiền vào công ty như: tặng % lãi suất, tặng vàng, tặng sổ đỏ, tặng ô tô, xe máy SH, Iphone, tour du lịch...

Kết hợp nhiều thủ đoạn để củng cố lòng tin của nhà đầu tư

Để tạo được lòng tin, các đối tượng thường đăng ký các doanh nghiệp có vốn điều lệ rất lớn, mời những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đối với giới trẻ về khởi nghiệp, đầu tư để làm diễn giả trong các hội nghị khách hàng, hội nghị hoa hồng, sự kiện lớn của công ty; đồng thời sử dụng các trang mạng, báo điện tử quảng cáo mạnh mẽ, dùng tiền để tài trợ, mua giải thưởng,... vẽ ra những mục tiêu rất lớn, thậm chí có cả kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế danh tiếng, đưa ra những hình ảnh về người đi trước thành công…

Lách luật, núp bóng các hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư để qua mắt cơ quan chức năng

Cuối cùng để qua mắt sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, các đối tượng thường lợi dụng sự lỏng lẻo của pháp luật, sử dụng các hình thức ký hợp đồng uỷ thác đầu tư hay hợp đồng hợp tác đầu tư… nhằm gây khó khăn trong quá trình giám sát, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm của cơ quan chức năng.

Điển hình như, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý cụ thể về uỷ thác nói chung, uỷ thác đầu tư nói riêng, đặc biệt hành lang pháp luật bảo vệ nhà đầu tư nhiều sơ hở. Khái niệm ủy thác đầu tư được quy định chỉ duy nhất trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên cũng chưa thật chặt chẽ. Theo Luật Chứng khoán, hoạt động kinh doanh sinh lời, chuyên nghiệp trong hoạt động uỷ thác là một hoạt động nghiệp vụ chứng khoán, chỉ cho phép tồn tại dưới hình thức công ty quản lý quỹ.

Lợi dụng điều này, không ít đối tượng đã huy động vốn thông qua các hợp đồng uỷ thác đầu tư với cam kết lãi suất, tỉ suất sinh lời cao. Điển hình như trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Trường Tiền cho thấy, nhiều người đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng tự nguyện ủy quyền góp vốn đầu tư các dự án, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với hai cá nhân của Tập đoàn Trường Tiền.  

Thậm chí thông qua hình thức phát hành cổ phiếu nội bộ biến nhà đầu tư thành cổ đông như trong vụ Công ty Bankland, các đôi tượng thành lập sàn giao dịch cổ phiếu điện tử Banklandexchange và tự phát hành 10.000 tỷ cổ phiếu nội bộ của Công ty Bankland (Mã BLI) với định giá khởi điểm là 0.0001 USD/cổ phiếu để bán chui cho nhà đầu tư mà không qua sự kiểm soát của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước…

4-1695302384.jpg

 

Tập đoàn Bankland bị cáo buộc vẽ ra các dự án bất động sản ở huyện Thường Tín và tự phát hành 10.000 tỷ cổ phiếu để lừa hàng nghìn nhà đầu tư, chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn lợi dụng hình thức hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh…  yêu cầu các nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản cá nhân của các cổ đông/ người đại diện của Công ty hoặc nộp bằng tiền mặt  và ghi nhận bằng phiếu thu tiền. Với hình thức này thì thực tế tiền không được đưa vào các tài khoản ngân hàng công ty. Các đối tượng dễ dàng sử dụng, chuyển tiền và sử dụng trái mục đích. Việc mập mờ về thu nộp tiền là cách để lách, trốn các trách nhiệm, nhất là việc trốn tránh việc quản lý, theo dõi của các cơ quan thuế, các cơ quan nhà nước.

Bài học và khuyến cáo đối với nhà đầu tư

Những năm gần đây đã có nhiều bài học cho nhà đầu với không ít vụ án liên quan đến hành vi lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn, kêu gọi đầu tư vào bất động sản, vàng, chứng khoán, tiền ảo, ngoại hối… đã bị cơ quan chức năng xử lý như: Bigbuy 24h gây thiệt hại 500 tỷ đồng; Gold times gây thiệt hại 900 tỷ đồng; Liên Kết Việt gây thiệt hại hơn 1.900 tỷ đồng… Thậm chí có những vụ cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo từ rất sớm, song loạt cảnh báo về những bất thường trong hoạt động kinh doanh, hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp vẫn bị phớt lờ khiến hàng nghìn người vẫn “sa bẫy”.

Điển hình như trường hợp của Công ty BĐS Nhật Nam mới đây. Hay hàng loạt các trường hợp huy động vốn có dấu hiệu lừa đảo mà cơ quan công an đã và đang vào cuộc xác minh làm rõ như như trường hợp huy động vốn vào dự án trồng Sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh; trường hợp huy động vốn hàng nghìn tỉ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam…

Vấn đề đặt ra là, khi trót lỡ xuống tiền, nhà đầu tư có dễ dàng đòi được tiền nếu chẳng may có bất chắc?

Trả lời cho câu hỏi này, nhiều chuyên gia cho rằng để đòi được tiền là rất khó. Bởi, mối quan hệ giữa khách hàng với các tổ chức này thường bị lách luật sang “hợp đồng hợp tác đầu tư” theo nguyên tắc “lời ăn, thua chịu”. Mặc dù trong hợp đồng có thỏa thuận về lợi nhuận nhưng nếu như họ làm ăn không có lãi, kinh doanh thua lỗ, có thể xảy ra tình trạng lấy tiền của người sau trả cho người trước. Khi doanh nghiệp không thể huy động thêm được vốn sẽ dẫn đến mất khả năng thanh toán, khách hàng không những không được nhận lợi nhuận như cam kết mà còn có thể mất trắng nếu chưa làm rõ dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của tổ chức này.

Thậm chí, kể cả trường hợp cơ quan chức năng vào cuộc khởi tố, điều tra và chứng minh được hoạt động huy động vốn này là vi phạm pháp luật, là lừa đảo chiếm đoạt thì việc thu lại được tiện của các nhà đầu tư cũng không thực sự dễ dàng. Bởi, mặc dù theo nguyên tắc xử lý vụ án hình sư, trong quá trình điều tra, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ kê biên, phong tỏa tất cả tài sản liên quan, xác định bị hại, giá trị tài sản bị chiếm đoạt và buộc trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại… Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều vụ việc khi cơ quan điều tra vào cuộc phát hiện xử lý thì các đối tượng lừa đảo đã tẩu tán tài sản hoặc chi tiêu cá nhân hết dẫn đến không còn khả năng thu hồi để trả lại cho người bị hại. Cơ hội của người bị hại lấy lại tài sản trong những vụ lừa đảo lớn không nhiều.

Cần làm gì để tránh sập bẫy lừa đảo huy động vốn

Thiết nghĩ, hoạt động đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận là nhu cầu của mỗi cá nhân, việc góp vốn đầu tư vào bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào không bị pháp luật nghiêm cấm là quyền lựa chọn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, để tránh mắc vào những "cạm bẫy” đã giăng sẵn, nhà đầu tư cần tỉnh táo, thận trọng, cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định góp vốn vào bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào... Trong đó, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư đặc biệt lưu ý những yếu tố sau đây:

Thứ nhất, trước khi tham gia  góp vốn đầu tư nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án đầu tư, các tổ chức huy động vốn, các giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh,... nhờ chuyên gia kiểm tra pháp lý, đánh giá những rủi ro để quyết định đầu tư.

Thứ hai, cần phải kiểm chứng thông tin công ty quảng cáo và đặc biệt cảnh giác trước mọi lời cam kết trả lợi nhuận “siêu cao”, trả thưởng “khủng” so với thị trường. bởi các chuyên gia kinh tế trao đổi trên báo báo chí từng nhiều lần khẳng định: những công ty đưa ra lãi suất khủng 34 - 46%, thậm chí 70 - 80% chắc chắn là “mồi bả chuột” để kêu gọi các nhà đầu tư.

Thứ ba, có những biện pháp theo dõi, giám sát, kiểm chứng mục đích sử dụng của nguồn tiền đã góp vốn.

Cuối cùng, chúng tôi kỳ vọng rằng tất cả nhà đầu tư đều nhận diện và nắm rõ các thủ đoạn một số đối tượng lừa đảo thường sử dụng như trong bài phân tích trên, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các nhà đầu tư có thể tránh sập bẫy lừa đảo huy động vốn trái pháp luật vào đầu tư tài chính, tiền ảo, dự án bất động sản ma…