Trần Lân

Xã Phương Thiện, TP Hà Giang đánh giá đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao

Phương Thiện là xã nằm ở cửa ngõ phía Nam của thành phố, gồm 7 thôn. Có tổng diện tích đất tự nhiên là 3.273,7 ha. Với tổng số hộ 1028 hộ, dân số 4306 người. Do ở sát thành phố nên xã có nhiều lợi thế trong xây dựng và phát triển.
https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/cb-1653567937.png
 

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã đoàn kết, quyết tâm, tranh thủ thời cơ, huy động cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cùng vào cuộc. Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết chuyên đề về nông thôn mới, thành lập ban chỉ đạo và các ban, phân công cán bộ theo dõi, chỉ đạo thực hiện. Xác định rõ các nội dung cần thực hiện, với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phát huy nội lực trong nhân dân đồng thời tranh thủ các ngồn vốn để thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra.

 Kết quả thực hiện năm 2021 tỷ trọng giá trị các ngành kinh: Lĩnh vực Nông lâm nghiệp, thủy sản 26.55%, thu từ sản xuất phi nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 9,38%, thu từ tiền lương, tiền công và các khoản thu khác 64,07%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 43,15 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, đến nay còn 0.92% (11/1028 hộ).

Thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM theo tinh thần Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ, Kế hoạch của Ban chỉ đạo XD NTM thành phố. Nghị quyết của BCH Đảng bộ xã. Ngay từ đầu năm 2020-2021, BCĐ xây dựng NTM xã đã xây dựng kế hoạch số 64/KH-BCĐ về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2020 và kế hoạch số 15/KH-BCĐ ngày 10/3/2021 về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2021.

Xác định tập trung vào khắc phục các tiêu chí còn yếu: Nhóm các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, đường làng ngõ xóm, hệ thống kênh mương thủy lợi, xây dựng, tiêu chí về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân như xây dựng các mô hình kinh tế, vùng rau chất lượng cao, đề án vành đai thực phẩm, củng cố hoạt động du lịch cộng đồng tại các thôn…; tiêu chí về văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động của các thôn bản; tiêu chí về vệ sinh môi trường nông thôn.

Ủy ban MTTQ phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các thôn bản phát động các phong trào thi đua với các nội dung cụ thể thiết thực như: Phong trào cải tạo vườn, đồi tạp; chương trình thắp sáng đường làng, thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang… Từ đó, đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp và được nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng thực hiện. Tuyên truyền vận động nhân dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phát triển sản xuất, đến nay phần lớn nhân dân các thôn đã sử dụng các loại giống lúa, ngô mới cho sản xuất, chất lượng và năng suất ngày càng được nâng lên. Thực hiện việc trồng dưa hấu tại hai thôn vùng cao cho thu hoạch đạt chất lượng và hiệu quả cao; triển khai chuyển đổi vườn đồi tạp, thành lập tổ chế biến chè sạch tại thôn vùng cao Gia Vài...

Mô hình tổ liên kết trồng nấm của thôn Lâm Đồng, Mè Thượng quy mô 15.500 bịch nấm Sò, sản lượng 62 tấn/năm, doanh thu bình quân 2.170 Triệu đồng. Mô hình gà của bà Nguyễn Thị Luật thôn Châng, quy mô 1000 con/lứa đã cho thu hoạch đạt chất lượng tốt. Lợi nhuận thu được 160 triệu đồng/lứa sau khi trừ chi phí thu được 60 triệu đồng/lứa. Hiện nay, cơ sở đang tiếp tục triển khai lứa thứ 2 được 30 ngày tuổi, quy mô 1000 con.

Mô hình nuôi Dúi thương phẩm với quy mô 120 con/lứa tại thôn Cao Bành; Giá bình quân thị trường 400.000 - 450.000 đồng/kg; mỗi lứa sau khi trừ chi phí thu về khoảng 80 triệu đồng, mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.  Xây dựng 02 mô hình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi như (mô hình nuôi thỏ quy mô 200 con tại thôn Tiến Thắng, nuôi ốc nhồi của 6 hộ gia đình thôn Mè Thượng, Tiến Thắng); hiện nay các mô hình hiện nay đang phát triển tốt.

Công tác phát triển tiểu thủ công nghiệp ngành nghề nông thôn được chú trọng. Sản phẩm chủ yếu là vật liệu xây dựng (khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gạch bê tông) chế biến gỗ, gia công cơ khí, chế biến chè, xay sát… Các cơ sở hoạt động ổn định, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường. Để nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân, việc trước mắt là giúp người dân thay đổi tập quán, nâng cao hiệu quả, năng suất, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng các ngành, nghề cho người nông dân. Kết nối thị trường bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Giải quyết hài hòa hai vấn đề trên để giải bài toán nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân một cách ổn định, bền vững.

Đến nay xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông và Internet, đảm bảo cung ứng đầy đủ các dịch vụ điện thoại cố định và di động mặt đất, dịch vụ Internet băng rộng; có phủ sóng di động 3G, 4G, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet của các tổ chức, cá nhân tại địa phương. Xã có trang bị máy vi tính nối mạng Internet cho Đảng ủy, HĐND, UBND xã và các bộ phận chuyên môn phục vụ công tác quản lý, điều hành. Hệ số máy vi tính/số cán bộ công chức, viên chức xã đạt từ 1 máy tính/cán bộ công chức, viên chức. Hiện xã đều sử dụng 2 phần mềm tin học vào công tác quản lý, điều hành là: Phần mềm “Một cửa điện tử” và “Hộp thư điện tử công vụ”. Ngoài ra, xã đã được cài đặt và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành thu nợ đọng về xây dựng cơ bản. Năm 2019 lắp đặt 8 hệ thống loa truyền thanh internet cho 7 thôn và điểm trung tâm xã, trang cấp 4 hệ thống loa âm ly cho 4 nhà văn hóa thôn.

Xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững: Về mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị: Hiện nay trên địa bàn xã có 05 tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, được thành lập từ năm 2016 và 2018 đang duy trì tốt, gồm liên kết trồng, tiêu thụ nấm; nuôi lợn thịt; nuôi dê; Gà ri thả đồi Thành phần tham gia các chi Hội Phụ nữ, các chi hội nông dân tại các thôn (kết quả liên kết năm 2018 - 2019 - 2020 mô hình chăn nuôi Dê, gà, lợn đen… phát triển tốt. Năm 2020; Tiêu thụ được 125 con lợn bằng 4.400 kg, giá trị đạt 322 triệu đồng; Mô hình Nấm (02 mô hình) sản xuất được 13 tấn, giá trị đạt 520 triệu đồng.  

Công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân được đưa vào Kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương để triển khai thực hiện nhằm thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Được sự quan tâm của UBND Thành phố và các ngành cấp trên, Trạm Y tế xã được bổ sung trang thiết bị; bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn đảm bảo theo quy định, giúp trạm y tế xã có đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 4270/4306 đạt 99,16%

Bộ máy tổ chức hoạt động xây dựng nông thôn mới được kiện toàn và hoàn thiện, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn; hệ thống văn bản hướng dẫn và các cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình được xây dựng và cơ bản hoàn thiện. Đã xác định cụ thể được từng tiêu chí và nội dung cần thực hiện, xây dựng kế hoạch sát với điều kiện và những vấn đề cần giải quyết để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình.

Ý thức của người dân về xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phát triển sản xuất ngày càng được nâng cao, công tác vệ sinh môi trường ngày càng được quan tâm và thực hiện có hiệu quả, các mô hình phát triển kinh tế ngày càng đa dạng phát triển rộng khắp… tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng xanh, sạch đẹp và văn minh. Tình hình An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố, tạo đà cho kinh tế xã hội của xã ngày càng phát triển.

Xã đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, dịch vụ, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trước mắt, tiếp tục rà soát những diện tích không chủ động nước tưới chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, duy trì và nhân rộng các vườn cây ăn quả có hiệu quả, gắn phát triển kinh tế vườn, nhà vườn theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích Nhân dân phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp bê tông hóa mở rộng các tuyến đường liên thôn, tiếp tục bê tông hóa giao thông nội đồng, kiến cố hóa kênh mương, để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Nâng cao chất lượng các tiêu chí trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc của quê hương. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đồng thời thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; vận động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế, tổ chức tốt phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, nhất là thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của cấp ủy, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, không để tái nghèo.

Tập trung huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được phân bổ từ chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời huy động từ các nguồn lực xã hội hóa; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, công trình phục vụ sản xuất, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Phát huy nguồn lực sẵn có của cộng đồng chỉnh trang, cải tạo tường rào cổng ngõ, nhà ở, xây dựng các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế, đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ xã đến thôn trong tham gia xây dựng chương trình. Phân công rõ nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và người được phân công phụ trách, với từng nội dung, từng lĩnh vực, bảo đảm giữ vững thành quả và phát triển bền vững./.