Trần Lân

Hà Nội: Tận dụng "nguồn tài nguyên" rơm rạ

Thay thế việc đốt rơm rạ bằng các mô hình xử lý, tận dụng khác như tạo ra phân bón hữu cơ, sẽ cung cấp lại nguồn dinh dưỡng mà cây lúa đã lấy đi từ đất trồng.

Mùa thu hoạch lùa Hè Thu tại miền Bắc sắp cận kề, câu chuyện về xử lý rơm rạ lại trở thành vấn đề nan giải không chỉ đối với người nông dân mà còn là bài toán với các cơ quan chức năng. Phương pháp xử lý truyền thống mà đa phần các hộ nông dân lựa chọn chính là đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng, điều này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực như ô nhiễm môi trường, giảm tầm nhìn giao thông.

Một chút chất khoáng sót lại, không đáng kể so với những gì bị mất đi

Trao đổi với Người Đưa Tin về tác động của đốt rơm rạ đối với môi trường, PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp nhấn mạnh: “Đốt rơm rạ đầu tiên sẽ gây ra khói bụi, giảm tầm nhìn khi tham gia giao thông, đặc biệt ở các vùng có hệ thống giao thông huyết mạch. Đồng thời sẽ làm phát sinh ra các chất bụi mịn, ví dụ như PM2.5 và than đen, những chất này khi đi vào cơ thể con người sẽ tác động đến hệ hô hấp, gây ra những ảnh hưởng rất lớn cho sức khỏe”.

Ngoài ra, khi đốt rơm rạ sẽ sinh ra các loại khí nhà kính như metan và CO2, những khí này khi tích lũy trong khí quyển trực tiếp gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu dẫn đến biến đổi khí hậu.

Môi trường - Hà Nội: Tận dụng 'nguồn tài nguyên' rơm rạ

Đốt rơm rạ trực tiếp gây ra những tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường.

Đối với môi trường đất, PGS.TS Mai Văn Trịnh cho biết: “Rơm rạ là một nguồn tài nguyên thực vật. Trong rơm rạ chứa đa phần là cacbon - thành phần chính của hữu cơ, cùng rất nhiều các chất dinh dưỡng khác trong cây lúa. Chính vì vậy, khi đốt lên, thành phần chính trong rơm rạ sẽ bị cháy, chuyển đổi sang các chất khác, đồng nghĩa với việc mất đi toàn bộ thành phần hữu cơ”.

“Ngoài ra, đốt rơm rạ còn dẫn đến hiện tượng cháy đất, không chỉ làm chết các vi sinh vật xung quanh mà còn làm biến đổi cấu trúc, thành phần vật lý, hóa học của đất. Kết quả sau đó sẽ chỉ để sót lại một chút chất khoáng, những chất này là không đáng kể với những gì bị mất đi”, ông Trịnh cho biết thêm.

Theo ông Trịnh, từ xưa đến nay đã có rất nhiều biện pháp xử lý nhằm hạn chế đốt rơm rạ để có thể tận dụng được nguồn tài nguyên này. Trong đó, phổ biến nhất chính là việc thu gom, ủ rơm rạ từ các chế phẩm vi sinh để tạo ra phân bón hữu cơ. Ngoài ra, rơm rạ nên được sử dụng để che phủ các cây trồng khác, làm giảm bay hơi nước, giảm cỏ mọc và giữ được chất hữu cơ và độ ẩm cho đất. Việc này rất tốt cho cây trồng. Ngoài ra, với mong muốn phát triển nông nghiệp bền vững thì đây cũng là cách thay thế hiệu quả các sản phẩm che phủ bằng nhựa.

Tuy nhiên, do nhận thức chưa rõ ràng của người dân về thể chế môi trường, khi so sánh các biện pháp xử lý khác nhau thì người dân cảm thấy rằng đốt rơm rạ là giải pháp tiện lợi, tiết kiệm thời gian và công sức nhất mà vẫn chưa nhận thức được những tác hại của việc này với môi trường. 

Môi trường - Hà Nội: Tận dụng 'nguồn tài nguyên' rơm rạ (Hình 2).

Có rất nhiều biện pháp nhằm hạn chế đốt rơm rạ để có thể tận dụng được nguồn tài nguyên này.

Chính vì vậy, điều đầu tiên cần làm chính là nâng cao nhận thức của người dân, đó là: “Rơm rạ là một nguồn tài nguyên cần được sử dụng, bổ sung lại, trả lại cho đất những gì mà cây trồng đã lấy đi, nếu không thì đất sẽ bị nghèo kiệt dinh dưỡng, thoái hóa, hết sức sản xuất”. Tiếp đó là tăng cường nhận thức của người dân về mặt pháp luật, tuyên truyền cho người dân biết rằng việc đốt rơm rạ là không được phép và sẽ phải chịu phạt nếu như bị phát hiện. 

Khi mà người dân nhận thức được rằng đốt rơm rạ không được phép thì họ sẽ tìm đến các giải pháp chế biến rơm rạ, thì khi đó, các công nghệ về chế phẩm sinh học sẽ đáp ứng được điều đó. 

Những thay đổi nhận thức về đốt rơm rạ

Tại Hà Nội, theo ghi nhận của Người Đưa Tin, sau khi kết thúc thu hoạch mỗi vụ lúa, các hộ nông dân tại huyện Sóc Sơn nói riêng đều được tuyên truyền, nhắc nhở về việc không được phép đốt rơm rạ. Đây là biện pháp nhằm hạn chế thực trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đặc biệt khi đây là vùng có nhiều địa phương giáp ranh với Sân bay Quốc tế Nội Bài.

Ngoài ra, các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp được vận động sử dụng rơm rạ làm phụ phẩm trồng nấm, ủ làm phân bón lót, thức ăn cho gia súc, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ, cải tạo đất, góp phần tăng chất lượng và mức độ an toàn cho sản phẩm nông sản, giảm chi phí mua phân bón hóa học và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Ông Trần Văn Cường, nông dân canh tác tại xã Phú Cường cho biết: “Gia đình tôi không nuôi trâu, bò nên mọi năm tôi thường đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa cho gọn. Nhưng mấy năm gần đây, gần đến mùa gặt là loa xã tuyên truyền liên tục rằng đốt rơm rạ ảnh hưởng đến môi trường và máy bay hạ cánh nên nhà tôi không đốt nữa”.

Theo ông Cường, thay vào đó, gia đình ông đã để lại rơm rạ trên ruộng sau khi thu hoạch và cày trực tiếp cùng đất cho vụ mùa tiếp theo. Điều này phần nào giúp cải thiện độ tơi xốp của đất.

Môi trường - Hà Nội: Tận dụng 'nguồn tài nguyên' rơm rạ (Hình 3).

Rơm rạ sau vụ thu hoạch lúa Chiêm Xuân tại địa bàn xã Phú Cường.

Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình trên địa bàn cũng có những cách xử lý rơm rạ thay vì đốt như trước. Bà Nguyễn Thị Tuyến (Minh Phú, Sóc Sơn) chia sẻ rằng gia đình không chỉ tận dụng phần ngọn của rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi cho trâu bò mà còn sử dụng phần gốc rạ để đắp gốc cho cây, tạo ra lớp mùn tự nhiên cung cấp dinh dưỡng cho đất.

Song song với đó, bà Tuyến cũng dùng rơm rạ để trồng nấm rơm tự nhiên. “Quy trình làm nấm rơm khá đơn giản, không cần đầu tư nhiều vì rơm rạ sau khi phân hủy sẽ tạo dinh dưỡng giúp phát triển nấm. Tuy nhiên việc trồng nấm rơm lại đòi hỏi điều kiện thời tiết và độ ẩm thích hợp nên nên năng xuất nấm không cao, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong gia đình”, bà Tuyến cho biết thêm.

Là đầu mối hỗ trợ trực tiếp người dân cách xử lý và tận dụng rơm rạ sau thu hoạch tại xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn), bà Trần Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ Nữ xã Phú Cường cho biết: “Trước mỗi mùa thu hoạch, chúng tôi đều phối hợp với UBND xã và các ban ngành đoàn thể để xây dựng kế hoạch phối hợp, triển khai, thực hiện tổ chức tập huấn cho các hội viên biết cách ủ rơm rạ thành phân hữu cơ sau khi thu hoạch theo 2 cách là ủ tại ruộng và ủ đống. Việc này nhằm mục đích tạo nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng và giảm thiểu việc đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến môi trường”.

Môi trường - Hà Nội: Tận dụng 'nguồn tài nguyên' rơm rạ (Hình 4).

Người dân tham gia tập huấn trực tiếp về cách ủ rơm rạ thành phân hữu cơ.

Cùng với đó, bà Hằng chia sẻ thêm rằng nguyên vật liệu, chế phẩm sinh học để bà con xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ đều được các cơ quan cấp trên hỗ trợ. Điều này tạo điều kiện rất tốt để các hộ nông dân có thể tiếp cận được với mô hình tận dụng rơm rạ này. 

“Ngoài ra, việc ủ phân hữu bằng rơm rạ ngay tại ruộng sẽ làm cho đất trồng tơi xốp, cây lúa vào vụ sau sẽ không bị nghẽn rễ và giảm sâu bệnh, giúp các hộ nông dân giảm thiểu các chi phí nông nghiệp, chi phí phân bón”, bà Trần Thị Hằng cho hay.

Theo đánh giá của bà Hằng, mặc dù việc ủ phân vi sinh từ rơm rạ là mô hình phổ biến nhất hiện nay, đem lại hiệu quả rất tốt cho đất trồng, tuy nhiên các hộ nông dân trên địa bàn vẫn chưa quen với cách làm mới, nên sự hưởng ứng chưa được cao. Điều này cần phải có thời gian và cần sự vào cuộc tích cực của các cấp các ngành trong công tác tuyên truyền với người dân trong tương lai.