
Sự kiện thu hút đông đảo đại diện doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, tổ chức chứng nhận Halal và cơ quan quản lý – cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng kinh doanh đối với thị trường tiêu dùng Hồi giáo đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Theo ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, thị trường Halal toàn cầu hiện đạt quy mô hàng nghìn tỷ USD, chiếm gần 25% dân số thế giới, tập trung tại các quốc gia như UAE, Ả-rập Xê-út, Pakistan, Bangladesh… Đây là thị trường tiềm năng nhưng đồng thời đặt ra những yêu cầu khắt khe về văn hóa, tôn giáo, kiểm định và chuỗi cung ứng.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Phương , Trưởng phòng Tây Á – châu Phi (Bộ Công Thương) khẳng định, 95% người tiêu dùng tại khu vực GCC (Gulf Cooperation Council - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh) sử dụng sản phẩm Halal, tạo điều kiện lớn cho hàng hóa Việt Nam như thực phẩm chế biến, nông sản, mỹ phẩm thiên nhiên, dệt may thân thiện môi trường và dược phẩm. Đặc biệt, các nước Hồi giáo chủ yếu xuất khẩu dầu mỏ và phụ thuộc nhập khẩu nông sản, thực phẩm – mở ra dư địa rất lớn cho doanh nghiệp Việt nếu đáp ứng được tiêu chuẩn Halal.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra không nhỏ. Mỗi quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) – gồm UAE, Ả-rập Xê-út, Kuwait, Qatar, Bahrain và Oman – đều có hệ thống chứng nhận Halal riêng như GSO, ESMA, SFDA... Các doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu kỹ yêu cầu kỹ thuật, hồ sơ, và tiêu chuẩn của từng thị trường để đảm bảo xuất khẩu bền vững.

Ông Trương Xuân Trung, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại UAE lưu ý, dù hàng hóa Việt Nam có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, nhưng nếu không được chứng nhận Halal đạt chuẩn sẽ rất khó thâm nhập sâu. Đây là một rào cản kỹ thuật mang tính văn hóa – tín ngưỡng mà doanh nghiệp cần thích ứng linh hoạt.
Hội thảo không chỉ là diễn đàn chia sẻ kiến thức, mà còn là cầu nối thực tế giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận trực tiếp các tổ chức chứng nhận Halal, cơ quan quản lý, và cập nhật thông tin về lộ trình thuế quan, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CEPA, cơ chế kiểm dịch, và yêu cầu kỹ thuật của từng quốc gia.

Với dân số Hồi giáo tại châu Á lên đến 1,3 tỷ người, dự kiến đạt 2 tỷ vào năm 2030, sản phẩm Halal sẽ không chỉ là nhu cầu tôn giáo mà trở thành xu hướng tiêu dùng toàn cầu. Đây là thời điểm để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức, chuẩn hóa quy trình và chủ động đầu tư vào chứng nhận Halal – hướng tới mục tiêu chiếm lĩnh thị trường Hồi giáo đầy tiềm năng trong dài hạn.