Biến chất thải chăn nuôi thành 'tiền'

Với tổng đàn chăn nuôi lớn, năm 2021 đã thải ra trên 61,5 triệu tấn phân và trên 55 triệu tấn nước tiểu. Một lượng chất thải khổng lồ.

Tổng đàn chăn nuôi đang tăng trở lại

Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, thời gian qua, tăng trưởng đàn lợn của nước ta có sự biến động lớn về tổng đàn, trong đó tổng đàn lợn đạt cao nhất vào năm 2016 (29,1 triệu con), sau đó do một số lý do tổng đàn lợn giảm sâu kỷ lục vào năm 2019 do dịch tả lợn Châu Phi (19,6 triệu con).

Năm 2021 tổng đàn lợn tăng trưởng trở lại và đạt trên 28 triệu con, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng đàn gia cầm đạt khoảng 523 triệu con, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt khoảng 1,69 triệu tấn, tăng hơn 19% so với cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm đạt 15,5 tỷ quả, tăng 6,9% so với cùng kỳ.  

anh-317-1653614814.jpg Đàn lợn đang có sự tăng trở lại

Đàn bò trên 6,4 triệu con, tăng 2%, trong đó đàn bò sữa trên 375.000 con; sản lượng thịt bò năm 2021 đạt 495,3 ngàn tấn; sản lượng sữa bò tươi đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Đàn trâu đạt 2,34 triệu con, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng thịt trâu năm 2021 đạt 125,4 ngàn tấn. Hiện nay, cả nước có trên 2,65 triệu con dê và khoảng 115.000 con cừu; tổng sản lượng thịt dê, cừu trong năm 2021 ước đạt 27,1 ngàn tấn.

Cũng theo Cục Chăn nuôi, số liệu thống kê 2021 cả nước có hơn 10 triệu hộ chăn nuôi, trong đó 2,05 triệu hộ nuôi lợn và 8,03 triệu hộ nuôi gia cầm. Khoảng 13.752 trang trại chăn nuôi/23.662 trang trại nông nghiệp (chiếm 58,1%).

Dựa trên định mức kỹ thuật trong chăn nuôi và tổng đàn gia súc, gia cầm do Tổng cục Thống kê công bố, theo lý thuyết với tổng đàn gia súc, gia cầm nước ta năm 2021 sẽ thải ra trên 61,5 triệu tấn phân và trên 55 triệu tấn nước tiểu. Ngoài ra, hằng năm nhiều triệu tấn chất độn chuồng thải ra từ ngành chăn nuôi, tuy nhiên chưa có số liệu điều tra về nguồn phụ phẩm này.

Sự chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang sản xuất chăn nuôi bán thâm canh và thâm canh đang tạo ra khối lượng ngày càng nhiều chất thải động vật. Như chăn nuôi bò và lợn đã tạo ra tỷ lệ chất thải rắn cao nhất: bò (39,6%), lợn (33,15%), trâu (21,07%) và gia cầm (6,18%); tỷ lệ nước thải lợn chiếm chủ yếu 86,5%, bò là 10,56%; và trâu 2,94%.  

Chăn nuôi lợn được tập trung chủ yếu tại những vùng đồng bằng và dân cư đông đúc. Do đó, gây ra mức độ ô nhiễm lớn nhất so với việc chăn nuôi các loài khác.  

“Hiện nay, các cơ chăn nuôi trang trại, nhất là các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ còn rất nhiều hạn chế, chưa đảm bảo an toàn sinh học, nên xảy ra nhiều dịch bệnh đe dọa đến phát triển chăn nuôi bền vững. Do vậy, cần phải cải thiện về chăn nuôi nhất là các biện pháp xử lý chất thải, trong đó tận dụng được chất thải làm gia tăng giá trị chăn nuôi”, Cục Chăn nuôi nhấn mạnh.

4 phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi

Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay các hộ chăn nuôi đang áp dụng phương pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi rất hiệu quả và thiết thực, gồm:

Công nghệ khí sinh học: Đến hết năm 2018, cả nước có tổng số công trình khí sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi đạt trên 662.000 công trình, tăng trên 230.000 công trình so với năm 2015.

Đệm lót sinh học: Cả nước có trên 7,58 triệu m2 diện tích đệm lót sinh học được áp dụng ở cả quy mô nông hộ, trang trại, trong đó quy mô nông hộ chiếm 67,9% và quy mô trang trại chiếm 32,1%. Đệm lót sinh học chủ yếu áp dụng cho chăn nuôi gia cầm (chiếm 88,4%), lợn (chiếm 11,0%), bò (0,5%) và trâu (0,2%).

img-2407-1653614855.jpg Xử lý chăn nuôi bằng cách nuôi giun trùn quế

Ủ Compost: Là một biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi truyền thống được người chăn nuôi áp dụng phổ biến. Trên 2,88 triệu hộ chăn nuôi và 7.073 trang trại chăn nuôi thực hiện ủ phân vật nuôi làm phân bón hữu cơ. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi áp dụng biện pháp ủ phân vật nuôi là 43,9% đối với gia cầm, 25,7% đối với lợn, 20,3% đối với bò và 7,9% đối với trâu.

Công nghệ vi sinh: Ngày nay công nghệ vi sinh đang rất phát triển và có nhiều sản phẩm/chế phẩm vi sinh hỗ trợ hiệu quả cho việc xử lý chất thải chăn nuôi kể cả khử mùi hôi trong chăn nuôi.

Theo báo cáo của các Sở NN-PTNT các tỉnh/thành, cả nước 345.000 hộ chăn nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải và khử mùi trong chăn nuôi. Tỷ lệ hộ chăn nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh vật để xử lý môi trường chăn nuôi là 60,3% đối với gia cầm, 39,7 đối với lợn và 2,7% đối với trâu, bò.

Ngoài 4 biện pháp xử lý chính chất thải chăn nuôi nêu trên, thì nuôi các loại côn trùng từ chất thải chăn nuôi như trùn quế, lính ruồi đen hiện nay ở nhiều địa phương đã mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi thu được nguồn protein từ côn trùng phục vụ cho chăn nuôi, thủy sản và phân bón hữu cơ từ phân của côn trùng.

Đây là giải pháp bền vững và rất phù hợp cho chăn nuôi nông hộ để chủ động xử lý chất thải chăn nuôi và thu nhập tăng thêm từ bán côn trùng và phân bón hữu cơ từ côn trùng.

Tăng thu nhập nhờ bán phân hữu cơ

Năm 2014, gia đình ông Hà Danh Thảo (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) bắt đầu chăn nuôi lợn thịt với quy mô hơn 1.500 con. Với số lượng lợn lớn, gia đình ông đã chủ động xây 2 hầm khí sinh học với thể tích 10.000m3 được phủ bạt HDPE.

Tuy nhiên, lượng chất thải thải ra ngoài quá nhiều khiến cho công trình khí sinh học quá tải, chất thải thừa ứ; nước thải trong hầm biogas rò rỉ ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường.

“Qua theo dõi của gia đình, với số lượng lợn trên 1.500 con, mỗi ngày có khoảng 700kg chất thải được đổ thẳng ra ngoài hầm biogas. Do lượng chất thải mỗi ngày một tăng lên đã làm cho hầm biogas quá tải, rò rỉ nước thải ra bên ngoài, bốc mùi hôi thối, khiến gia đình đau đầu tìm cách xử lý chất thải của trang trại”, ông Thảo nói.

xu-ly-phan-1653614947.jpg Gia đình ông Thảo sử dụng máy ép phân đã nhiều năm nay

Để giải quyết tình trạng trên, gia đình ông đã đầu tư công nghệ xử lý chất thải khép kín với tổng trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng, gồm máy ép phân, bể chứa nhiều ngăn phục vụ cho máy ép và máy phát điện sinh học.

Theo đó, tất cả chất thải của lợn từ trong chuồng sẽ chảy xuống bể lắng. Khi máy vận hành sẽ hút chất thải, sau đó tách, ép thành nước và phân hữu cơ riêng biệt. Phân khô được đùn ra như những đống mùn nhỏ mịn, khô tơi như mùn cưa, còn nước thải được đổ xuống hầm biogas.

Trung bình, mỗi ngày gia đình ông Thảo hoạt động máy ép phân một lần. Phân sau khi được tách hết nước để trở thành phân hữu cơ sẽ đóng vào bao bì cho hết mùi và xuất bán cho người dân có nhu cầu.

Theo tính toán của ông Thảo, với khoảng 700kg chất thải chăn nuôi được thải ra mỗi ngày, sau khi xử lý trang trại thu được hơn 200kg phân khô. Với giá bán 80.000 đồng/tạ, mỗi tháng gia đình ông thu lời thêm khoảng 5 triệu đồng. Nhiều lúc, trang trại không còn phân khô để bán ra ngoài thị trường./.

“Chất thải chăn nuôi được coi là nguồn tài nguyên quý giá nếu biết tận dụng. Để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đó, hiện nay nhiều hộ gia đình, trang trại chăn nuôi đang xử lý bằng cách ủ hoai mục (phân gia súc, gia cầm) trở thành phân bón hữu cơ cho cây trồng, vừa đảm bảo ô nhiễm môi trường, vừa nâng cao thu nhập…”, một Chuyên gia trong ngành chăn nuôi cho hay.