Bà Rịa - Vũng Tàu, đô thị hiện đại, đáng sống

Đi qua 63 tỉnh thành, ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi vẫn là Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, ngăn nắp.
dia-diem-du-lich-vung-tau-5-1646126160.jpg Hoàng hôn trên biển Vũng Tàu

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, công dân số 1 của tỉnh này cho biết, tỉnh chú trọng đầu tư khung hạ tầng kết nối vùng kinh tế trọng điểm, không ngừng phát triển các đô thị như Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền - Long Hải.

Đô thị hiện đại

Với chủ trương không đánh đổi môi trường để phát triển, Bà Rịa - Vũng Tàu đang hình thành mới các đô thị chuyên ngành làm động lực phát triển trục hành lang kinh tế công nghiệp, cảng biển và hành lang kinh tế dịch vụ, du lịch nhằm khai thác thế mạnh tổng hợp kinh tế biển…

Toàn tỉnh hiện có 14 đô thị, trong đó 02 đô thị loại I và tiệm cận loại 1 gồm thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa; 03 đô thị loại III gồm Long Điền - Long Hải, Phú Mỹ, Côn Đảo; 02 đô thị loại IV gồm Ngãi Giao và Phước Bửu. 07 đô thị loại V gồm các thị trấn hiện hữu Đất Đỏ, Phước Hải; các thị trấn thành lập mới gồm Kim Long, Bình Châu, Lộc An, Hòa Bình và Hồ Tràm. Tỷ lệ đô thị hóa xấp xỉ 70%.

Với lợi thế về địa lý, tài nguyên khoáng, du lịch... Bà Rịa - Vũng Tàu luôn là tỉnh có tốc độ phát triển hàng đầu cả nước. Thu ngân sách năm 2019 đạt xấp xỉ 4 tỷ đô. Sự vận động kinh tế, xã hội mạnh mẽ đó khiến thời gian qua người dân nhập cư, lao động trình độ cao, công nhân đến tìm cơ hội việc làm, định cư tại địa phương tăng lên nhanh chóng.

Châu Đức, huyện được coi là “vùng sâu vùng xa” của tỉnh nhưng nhờ có quỹ đất dồi dào, nay đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn. Tập đoàn Sonadezi của Nhật Bản đã đầu tư dự án Khu Đô thị, công nghiệp Châu Đức với quy mô hơn 2 ngàn héc đang triển khai ồ ạt. Công ty CP Đông Á đầu tư khu Công nghiệp Đá Bạc với quy mô hơn ngàn héc. Tiếp theo đó là Vin Group cũng nhảy vào xin lập dự án ở xã Bình Ba với quy mô 1.300 héc.

Một chuyên gia của Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tình hình mua bán đất sôi động ở huyện Châu Đức trong thời gian qua phần lớn tập trung ở khu vực có vị trí gần các khu công nghiệp đang hình thành, dọc theo quốc lộ 56 và các tuyến đường lớn của huyện. Giao dịch về đất đai tăng mạnh trên địa bàn huyện trong thời gian qua cho thấy hiệu quả tác động từ chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đá Bạc hay Đá Bàng?

Trong buổi làm việc ở xã Đá Bạc, trao đổi với ông Trần Đình Hảo, phó Chủ tịch xã, quê Vĩnh Linh vẫn tự hào là công dân lâu năm ở Đá Bạc. Tôi hỏi: Chú đến đây từ bao giờ? Rằng, em vào đây từ 1992, hồi đó chưa có huyện Châu Đức. Cũng tương tự, ông Trà Thanh Bá, quê gốc Quảng Nam cũng tự hào là công dân gạo cội ở xứ này.

Hảo kể: Hồi đó em đến đây, rừng núi âm u, cây cối rậm rạp, muông thú nhiều. Em ở nhờ nhà ông già, chú cháu nương tựa vào nhau như cha con. Mãi đến 1994, huyện Châu Thành mới được chia tách ra làm 3: Tân Thành, Châu Đức và thị trấn Bà Rịa.

Thời Việt Nam Cộng hòa, huyện Châu Thành là hai quận Long Lễ và Đức Thạnh thuộc tỉnh Phước Tuy. Sau 1975, ba tỉnh Biên Hòa, Long Khánh và Phước Tuy hợp nhất thành tỉnh Đồng Nai, hai quận Long Lễ và Đức Thạnh được hợp lại thành huyện Châu Thành.

Tháng 12/1982, giải thể xã Phước Lễ, thành lập thị trấn Bà Rịa, huyện lỵ huyện Châu Thành. Hồi đó huyện Châu Thành có thị trấn Bà Rịa và 14 xã: Bình Ba, Bình Giã, Châu Pha, Hắc Dịch, Hòa Long, Hội Bài, Long Hương, Long Phước, Mỹ Xuân, Ngãi Giao, Phú Mỹ, Phước Hòa, Suối Nghệ, Xuân Sơn.

hai-dang-vung-tau-1646126216.jpg Hải đăng một trong những biểu tượng của thành phố biển

Tháng 8/1991, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được tái lập từ tỉnh Đồng Nai, huyện Châu Thành thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thị trấn Bà Rịa ngày nào nay đã là thành phố được xếp đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh và đang hoàn thiện một vài tiêu chí nữa để được công nhận là đô thị loại 1.

Vậy xã Đá Bạc có từ khi nào vậy chú? Rằng, Đá Bạc tên cũ là Đá Bàng. Hiện tên này vẫn dùng để gọi cho Hồ Đá Bàng, Suối Đá Bàng, Đập Đá Bàng. Năm 1994, Đá bàng là vùng kinh tế mới, khi thành lập huyện Châu Đức, khu kinh tế mới Đá Bàng được thành lập thành xã Đá Bạc.

Vậy là xã mới có 26 tuổi đời với diện tích hơn 43 cây số vuông. Mười năm trước, năm 2010 Đá Bạc mới có 6 ngàn dân, nay dân số của xã đã xấp xỉ 11 ngàn. Tốc độ tăng dân số chủ yếu là dân nhập cư. Xã hiện đang có khu công nghiệp Đá Bạc được quy hoạch hơn ngàn hécta….

Hiếm có khu vực nào có tốc độ đô thị hoá nhanh như xứ này. Ngày cuối tuần, phóng xe dạo quanh Bà Rịa ngắm ngía thành phố hiện đại nhất xứ. Thật không ngoa khi nói rằng đây là thành phố thông minh, ít nhất là về mặt giao thông. Những đại lộ rộng thênh thang, sạch bong, ngăn nắp. Đêm đến điện sáng trưng, lác đác mấy con xe qua lại.

Công sở tiêu chuẩn châu Âu

Ngạc nhiên hơn là Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phường Phước Trung, Tp. Bà Rịa được xây dựng trên khu đất xấp xỉ 20 ha, đưa vào hoạt động từ tháng 4/2012. Bao quanh là bốn đại lộ rộng thênh thang: Nguyễn Tất Thành - Trường Chinh- Phạm Văn Đồng và Bạch Đằng.

Trung tâm được quy hoạch và đầu tư mới theo mô hình tập trung, hiện đại gồm 7 cụm tòa nhà văn phòng, mỗi cụm cao 6 tầng phục vụ cho tất cả các khối nghiệp vụ hành chính, nhà nước của tỉnh. Việc đưa tất cả các sở ngành về một nơi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và người dân thực hiện giao dịch hành chính, liên hệ công tác và các công việc liên quan.

Phương án kiến trúc được chọn là của tập đoàn Tange Associatee, Nhật Bản. Để có khu văn phòng hiện đại này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải bỏ ra hơn ngàn tỷ đồng từ tiền ngân sách. Một phần ngân sách sẽ thu lại khi tỉnh bán đấu giá trụ sở các sở ngành trước đây tại Tp. Vũng Tàu. Nhiều năm di chuyển trong cái không gian chật chội ở Hà Nội, Sài Gòn về đây mới cảm nhận được cái thoáng đãng của một thành phố hiện đại.

Trung tâm hành chính TP. Vũng Tàu là một trong những công sở hoành tráng nhất xứ. Dự án này được xây dựng tại phường 11, TP. Vũng Tàu. Quy mô của dự án bao gồm các hạng mục như: Khối nhà làm việc của cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể; Khối dịch vụ gồm: nhà ăn, trạm y tế nội bộ…;

Khối trung tâm hội nghị: hội trường và các phòng họp, phòng truyền thống, phòng tiếp khách quốc tế; Hệ thống cây xanh, sân vườn, đường nội bộ, quảng trường… Năm 2009, UBND tỉnh đã chấp thuận cho phép UBND TP. Vũng Tàu chia dự án Trung tâm Hành chính TP. Vũng Tàu thành 3 dự án nhỏ: Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật; Xây dựng khối nhà chính tập trung các cơ quan hành chính, chính trị cấp thành phố.

Trước lúc chia tay, tôi bày tỏ sự ngạc nhiên về một thành phố ngăn nắp, sạch đẹp, hiện đại. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, bí thư tỉnh ủy cho rằng: Muốn có đô thị đẹp, không chỉ có quy hoạch đồng bộ mà còn cần phải có sự chăm chút của các cơ quan chức năng, thêm vào đó là mỗi người dân đều có ý thức.

Ba nhiệm kỳ là công dân số 1 của tỉnh này, để có được thành tựu như ngày hôm nay, không thể không nói đến vai trò người đứng đầu! Hy vọng về Đồng Nai làm thủ lĩnh ông lại thổi làm gió mới cho địa phương như ông đã từng làm ở Bà Rịa - Vũng Tàu./.