Bài học đắt giá cho DN Việt qua vụ hàng trăm container hạt điều xuất sang Ý có nguy cơ bị lừa

Trong giao thương, buôn bán – bất kể với đối tác trong nước hay nước ngoài thì lòng tin là quan trọng nhất. Bởi lẽ, nếu không có lòng tin đối với nhau thì chẳng ai làm ăn với nhau cả, dù đó có là đối tác trong nước thì rủi ro vẫn hiện hữu. Vấn đề là khi đã trao lòng tin, làm ăn với nhau làm thế nào phòng tránh và hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Nhìn lại sự vụ hàng trăm xuất điều sang Ý có nguy cơ bị lừa gây xôn xao dư luận những ngày qua, có thể rút ra nhiều bài học đắt giá cho doanh nghiệp Việt Nam khi giao thương, buôn bán với các bạn hàng nước ngoài.

nhung-bai-hoc-dat-gia-cho-doanh-nghiep-viet-nam-rut-ra-tu-vu-hang-tram-xuat-dieu-sang-y-co-nguy-co-bi-lua-1647014272.jpg

Bài học đắt giá cho doanh nghiệp Việt Nam rút ra từ vụ hàng trăm container điều xuất sang Ý có nguy cơ bị lừa - Ảnh minh hoạ

Nguy cơ mất hàng chục container hạt điều giá trị hơn 7 triệu USD

Hôm 8/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã gửi công văn hỏa tốc đến Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Ý cùng các bộ, ngành liên quan đề nghị hỗ trợ khẩn cấp để tìm cách giải quyết vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý và Thổ Nhĩ Kì của 17 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều thuộc Hiệp hội điều Việt Nam có nguy cơ bị lừa đảo và mất hàng.

Trong công văn hỏa tốc, đơn vị này cho biết đã nhận nhiều đơn kêu cứu về việc một loạt doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt xuất khẩu nhân điều sang Ý và Thổ Nhĩ Kì.

Với hồ sơ gửi tới ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ, trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua theo hướng dẫn, đều có sự thay đổi về số Swift. Sau khi ngân hàng của người mua nhận được bộ chứng từ thì họ thông báo người mua không phải khách hàng của họ và đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào và cũng không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam, dù ngân hàng Việt Nam đã gửi rất nhiều điện liên hệ nhưng vẫn không trả lời.

Còn với hồ sơ gửi đến ngân hàng tại Ý thì được thông báo rằng họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng là các bản copy không phải bản gốc. Điều này, các doanh nghiệp xuất khẩu điều sang hai thị trường này rất lo lắng vì không biết bộ chứng từ gốc ở đâu, Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể đến gặp hãng vận chuyển Cosco, YANGMING, HMM, ONE để nhận hàng.

Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Vinacas, trong 100 container theo cam kết ban đầu với người mua tại Ý, có 36 container đã được doanh nghiệp xuất đi và thất lạc chứng từ gốc, số còn lại các doanh nghiệp kịp thời ngưng giao dịch sau khi phát hiện có yếu tố lừa đảo. Dựa vào hợp đồng, giá trị 36 container điều này trị giá khoảng 7,025 triệu USD (tương đương 162 tỉ đồng).

thuong-vu-su-quan-viet-nam-tai-y-lam-viec-voi-lanh-su-danh-du-viet-nam-tai-napoli-anh-ttxvn-1647014282.jpg

Thương vụ Sứ quán Việt Nam tại Ý làm việc với lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli - Ảnh: TTXVN

Ngay khi nhận được thông tin khẩn cấp, cơ quan chức năng Việt Nam gồm: Đại sứ quán Việt Nam tại Ý, Thương vụ Việt Nam tại Ý, Vụ Thị trường châu Âu - Mỹ... đã hỗ trợ rất tích cực cho các doanh nghiệp.

Theo đó, ngày 10-3, đoàn Thương vụ Việt Nam tại Ý đã đến thành phố Napoli, cách thủ đô Rome hơn 200km để làm việc với lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli, ông Silvio Vecchione, và nhiều cơ quan khu vực phía Nam nước này như cảng Napoli, cảnh sát quân sự, thuế vụ cũng như ngân hàng và DHL (dịch vụ chuyển phát nhanh) - những nơi trung chuyển chính của 36 bộ chứng từ gốc mà các công ty Việt Nam bị mất kiểm soát.

Theo tham tán Nguyễn Đức Thanh, hiện nay chỉ còn 36 bộ chứng từ thất lạc mà các công ty Việt Nam chưa lấy lại được. Trong số 100 bộ chứng từ ban đầu thì các công ty giữ lại được hơn 50 bộ chứng từ, đòi lại được thêm nhiều bộ chứng từ khác mà chính DHL gửi trả cho Việt Nam.

Đáng chú ý, 4 container đầu tiên đến cảng Genoa đã được cảnh sát tài chính Ý ra quyết định giữ lại cảng nhờ các thông tin kịp thời của các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc, sự vào cuộc của luật sư và sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Ý, lãnh sự danh dự tại Napoli. Cả hệ thống cảng của Ý đã được báo động về vụ việc này.

Về phương hướng sắp tới, tham tán Nguyễn Đức Thanh nói: "Các luật sư sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan Ý để làm sao có thể trả lại hàng cho phía Việt Nam, hoặc cho phía Việt Nam bán cho doanh nghiệp khác của Ý hay bán cho các nước khác…”.

Đáng nói đây không phải là vụ việc đầu tiên, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng trong nước và thương vụ nước ngoài liên tục cảnh báo về hiện tượng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế mà không ít doanh nghiệp Việt Nam đã từng mắc phải. Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tình trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế càng có xu hướng tăng lên với thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện.

Điển hình, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại New York (Hoa Kỳ) từng phát đi cảnh báo về việc giao dịch thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác tại thị trường Hoa Kỳ. Hay, Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) từng cũng cảnh báo đối với các hành vi lừa đảo, gian lận thương mại của một số doanh nghiệp có trụ sở tại quốc gia này.

Trong đó, một số hình thức lừa đảo phổ biến như: giao hàng không trả tiền; làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu...

Những bài học đắt giá cho doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với nước ngoài

Từ sự vụ nói trên chúng ta rút ra được không ít bài học đắt giá cho doanh nghiệp Việt Nam khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá với các đối tác nước ngoài.

1. Tìm hiểu kỹ đối tác

Khi giao dịch với khách hàng cần ưu tiên hàng đầu việc tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài, đặc biệt các đối tác với giao dịch, đối tác tìm được qua kênh trung gian.

Điều này luôn đúng với tất cả các giao dịch, không chỉ với các đối tác quốc tế mà cả trong nước. Bởi nếu như các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam không quá chủ quan, tin tưởng vào phía đơn vị môi giới – công ty Kim Hạnh Việt mà cẩn trọng trong việc tìm hiểu, xác minh thông tin của đối tác nước ngoài để kịp thời phát hiện sớm những nghi vấn trước khi gửi hàng thì có lẽ sự việc không xảy ra.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự cố lần này đến từ tâm lý chủ quan của các đơn vị trong nước. Sự chủ quan trước hết do doanh nghiệp rất cần bán được điều nhân trong tình cảnh thương mại khó khăn. Thứ 2 là sự chủ quan trong việc tìm hiểu thông tin người mua.

Điều này được chính Vinacas thừa nhận. Theo Vinacas đánh giá, các doanh nghiệp điều Việt Nam đã quá chủ quan và tin tưởng vào môi giới. Các doanh nghiệp cũng chưa biết rõ phía đối tác bên Ý, nhưng lại tin tưởng giao hàng.

doanh-nghiep-can-lua-chon-duoc-phuong-thuc-thanh-toan-phu-hop-va-an-toan-nhat-de-tranh-rui-ro-anh-minh-hoa-1647014282.jpg

Doanh nghiệp cần lựa chọn được phương thức  thanh toán phù hợp và an toàn nhất để tránh rủi ro - Ảnh minh hoạ

2. Lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp an toàn nhất

Hiện nay, trong giao thương quốc tế, có nhiều phương thức thanh toán như: phương thức thanh toán chuyển tiền, phương thức ghi sổ, phương thức nhờ thu kèm chứng từ (D/P), phương thức tín dụng chứng từ (L/C)… Đáng nói là mỗi phương thức thanh toán đều có những ưu điểm và nhược điểm của nó đồng thời cũng chỉ phù hợp với những trường hợp giao dịch trong những điều kiện nhất định.

Do đó, việc doanh nghiệp lựa chọn được phương thức thanh toán phù hợp và an toàn nhất đối với các giao dịch thương mại quốc tế của của mình đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Chẳng hạn như đối với phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ là phương thức mà người bán sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng, lập bộ chứng từ thanh toán nhờ thu (chứng từ gửi hàng và hồi phiếu), rồi nhờ ngân hàng thu hộ số tiền ghi trên hối phiếu đó, với điều kiện là người mua trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền, thì ngân hàng mới trao toàn bộ chứng từ gửi hàng cho người mua để họ nhận hàng. Đây là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong xuất nhập khẩu hiện nay, với ưu điểm là thủ tục đơn giản, nhanh, chi phí thấp. Tuy nhiên lại chứa đựng nhiều rủi ro như rủi ro là khi bên mua chiếm đoạt bộ chứng từ gốc, họ có thể lấy được hàng mà không cần thanh toán tiền cho bên bán.

Trong khi đó, thanh toán phương thức tín dụng chứng từ (L/C) mặc dù rất an toàn nhưng chi phí cao và thời gian nhận tiền chậm, việc lập chứng từ đòi hỏi phải có độ chính xác cao, chỉ khi nào hàng đến cảng với sự xác nhận của hải quan thì ngân hàng mới chuyển khoản cho bên bán… Điều này lý giải vì sao sao phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ mặc dù nhiều rủi ro nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam vẫn lựa chọn. 

Từ sự vụ trên, bài học đắt giá cho các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đàm phán hợp đồng với các đối tác nước ngoài - đặc biệt khi giao dịch với các đối tác mới cần lựa chọn được phương an toàn hơn như dùng tín dụng thư, thanh toán trả trước tiền cọc hoặc bảo lãnh ngân hàng...

3. Hành động kịp thời khi phát sinh sự cố

Và một điều quan trọng nữa là trong trường hợp phát sinh sự cố liên quan đến hợp đồng thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hành động thật nhanh, thông qua các kênh của Hiệp hội ngành hàng trọng nước và tại các nước nhập khẩu, cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tại nước nhập khẩu… áp dụng mọi biện pháp có thể nhằm giảm thiểu được nhiều nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Điều này được chứng minh bằng việc, 4 container hạt điều đầu tiên đến cảng Genoa đã được cảnh sát tài chính Ý ra quyết định giữ lại cảng nhờ các thông tin kịp thời của các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc, sự vào cuộc của luật sư và sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Ý, lãnh sự danh dự tại Napoli. Đồng thời cả hệ thống cảng của Ý đã được báo động về vụ việc này.