Gần 14 triệu USD hiện đại hóa hệ thống thủy lợi tỉnh Kon Tum

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 306/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án “Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Kon Tum”, vay vốn ADB. Tổng mức đầu tư của dự án là 13,929 triệu USD, tương đương trên 321 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng thích ứng với hạn hán và chống chịu với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả thủy lợi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững các hệ thống tưới thông qua đầu tư hiện đại hóa thủy lợi; nâng cao hiệu quả của dịch vụ quản lý tưới, kỹ thuật mới và hoạt động của hệ thống công trình thủy lợi.

Cụ thể, dự án sẽ sửa chữa, nâng cấp một số hệ thống thủy lợi trên địa bàn các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Hà và Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum để nâng cao hiệu quả sử dụng nước nhằm đảm bảo ổn định cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ tưới cho khoảng 1.448 ha cây trồng các loại. Bên cạnh đó, dự án cũng xây dựng biện pháp quản lý nước hiệu quả ở nội đồng nhằm ổn định nguồn nước để chủ động chuyển đổi các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm từng vùng; chủ động để phòng, chống hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, dự án cũng giúp người dân nắm chắc kỹ thuật tưới tiết kiệm, chu trình tưới, mức tưới và phương pháp vận hành, bảo dưỡng duy tu hệ thống tưới nội đồng; được tập huấn về kỹ thuật tưới, kế hoạch tưới, kế hoạch canh tác cây trồng cũng như cách vận hành, duy tu bảo trì hệ thống từ mô hình trình diễn của dự án.

Dự án “Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Kon Tum” gồm hai hợp phần. Hợp phần 1, dự án sẽ nâng cấp hệ thống tưới hồ C19, Hố Chè, Tà Kan và Trạm bơm cấp nước của xã Diên Bình, huyện Đăk Tô; sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Đăk Long, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi; sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Kon Braih 1, Kon Braih 2, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà; đầu tư sửa chữa đoạn kênh cuối tuyến của kênh chính Bắc, xã Đăk Mar và đoạn cuối kênh chính Nam, xã Hà Mòn của hồ chứa nước Đăk Uy, huyện Đăk Hà; sửa chữa, nâng cấp thủy lợi Đập Ông Dân, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy.

muc-tieu-dao-tao-nganh-cong-trinh-thuy-loi-1647637102.jpeg Ảnh minh hoạ

Ở hợp phần 2, dự án sẽ áp dụng các biện pháp quản lý nước nội đồng như xây dựng kế hoạch quản lý nước ở nội đồng, thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA), áp dụng kỹ thuật canh tác CSA, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả tưới CSA và nhân rộng hoạt động CSA.

Theo kế hoạch, dự án “Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Kon Tum” sẽ được thực hiện trong 4 năm, từ tháng 6/2022 – 6/2026. Trong số gần 14 triệu USD tổng vốn đầu tư của dự án, có 10,364 triệu USD vay ưu đãi của Ngân hàng ADB; 0,3 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại; gần 3,3 triệu USD là vốn đối ứng.

Phó Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, sự phù hợp với quy định của pháp luật về hồ sơ dự án; tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các cơ quan liên quan để lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Bên cạnh đó, tỉnh cần thực hiện thủ tục bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm giai đoạn 2021 – 2025 cho dự án theo quy định; chịu trách nhiệm bố trí đủ vốn đối ứng, bảo đảm thực hiện dự án hiệu quả, đúng tiến độ và theo quy định hiện hành.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, hiện nay, toàn tỉnh có 595 công trình thủy lợi; trong đó gồm 85 hồ chứa nước, 8 trạm bơm và 502 đập dâng. Toàn tỉnh hiện có gần 125.000 ha cây trồng; trong đó trên 8.800 ha cây hàng năm vụ Đông – Xuân và gần 29.000 ha cây cà phê là diện tích cần nước tưới nhất ở thời kỳ cao điểm của mùa khô.

Tính cả vụ Đông – Xuân và vụ mùa, tổng diện tích cây trồng có nhu cầu nước tưới cao của tỉnh Kon Tum là gần 60.000 ha. Vì vậy, việc hiện đại hóa hệ thống thủy lợi sẽ giúp tăng khả năng cung cấp nước của các công trình thủy lợi, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra hạn hán, biến đổi khí hậu, nhất là đối với các vùng có diện tích chuyên canh cà phê, cây hàng năm lớn như Đăk Hà, Kon Rẫy, Đăk Tô và Ngọc Hồi./.