Từ tháng 4, đồng loạt doanh nghiệp xin tăng giá thịt, trứng

Giá xăng tăng cao, đã khiến các doanh nghiệp đã đăng ký điều chỉnh giá cả trong đợt bình ổn mới. Theo đó, mặt hàng trứng của các doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ tăng giá bán từ 1.500 đồng - 2.000 đồng/hộp.

Trong buổi thông tin về tình hình giá cả tại thị trường TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết đến hết tháng 3, các DN sẽ hết hạn cam kết giữ giá bình ổn. Do vậy, các DN sẽ điều chỉnh giá vào đầu tháng 4.

Cụ thể, trứng gà sẽ có giá bán mới 29.5000 đồng/hộp 10 quả, tăng 1.500 đồng/hộp so với giá cũ; trứng vịt có giá 35.000 đồng/hộp 10 quả, tăng 2.000 đồng/hộp so với giá cũ.

Trứng là lọai thực phẩm phổ biến với các gia đình, nhất là những người thu nhập không cao. Nhưng áp lực của các chi phí đầu vào khiến doanh nghiệp trứng tính đến chuyện tăng giá bán, nhất là chi phí thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 20-30%.

Thực tế tại các chợ dân sinh, giá trứng đã tăng từ giữa tháng 3 với mức tăng thêm 2.000 đồng - 3.000 đồng/chục trứng. Cụ thể trứng gà công nghiệp được bán với giá 33.000 - 35.000 đồng/chục, trứng vịt 36.000 - 38.000 đồng/chục, trứng vịt đồng 40.000 - 42.000 đồng/chục, trứng gà ta 45.000 đồng/chục. 

10-anhchot10-22-16349107601272144186422-1648625820.jpg Thịt trứng sẽ tăng giá từ tháng 4

Tháng 4 cũng là thời điểm TP.HCM triển khai chương trình bình ổn thị trường mới cho năm 2022. Sở Tài chính chịu trách nhiệm trong việc điều chỉnh giá. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước tổ chức cho doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường, đăng ký mặt hàng và đăng ký giá mới.

Ghi nhận từ Sở Tài chính TP, các doanh nghiệp chủ yếu đề xuất tăng giá các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm. Cụ thể, thịt gia súc tăng 2-3%; thịt gia cầm tăng 6-12%; trứng gia cầm tăng 6-8%.

Đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), thông tin, giá nguyên liệu sản xuất và phí dịch vụ logistics đang tăng cao. Đây là hai vấn đề chính tác động đến việc nhận đơn hàng xuất khẩu mới của DN.

Thực tế, giá sản phẩm xuất khẩu qua đường hàng không xuất sang các thị trường như EU, Mỹ,... trung bình đạt 11,5 USD/kg. Trong đó, nếu giá trái cây là 2,5-3 USD/kg, thì mất tới 8,5-9 USD là chi phí vận chuyển. Như vậy, chi phí vận chuyển chiếm tới 70-80% giá thành sản phẩm . Mỗi khi chi phí vận chuyển tăng, giá trái cây xuất khẩu cũng tăng theo, cơ hội chinh phục thị trường xuất khẩu khó hơn vì giảm tính cạnh tranh. 

Ông Phương cho biết thêm, việc điều chỉnh giá của doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường năm 2022 sẽ do UBND TP.HCM công bố vào đầu tháng 4. Trường hợp thị trường biến động mạnh, doanh nghiệp chỉ cần chứng minh chi phí đầu vào tăng 2-5%, có thể đăng ký điều chỉnh giá.

Về tình hình trật tự xã hội trên địa bàn TP.HCM, ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu công an TP.HCM trả lời, gần đây trên địa bàn thành phố thường xuyên xảy ra các án mạng xuất phát từ quen biết trên mạng. Có những vụ án xuất phát từ mâu thuẫn, thách đố hẹn nhau giải quyết dẫn đến hành vi giết người.

“Mạng xã hội là phương tiện hữu ích. Tuy nhiên, mạng xã hội còn đang bị lợi dụng để lừa đảo, đăng tin sai sự thật, buôn bán hàng giả, xúc phạm người khác”, ông Hà nói.