Sóc Trăng: Hướng tới phát triển mô hình ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, là tỉnh có thế mạnh chủ lực là cây lúa và con tôm, những năm gần đây Sóc Trăng phát huy thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, cùng với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tình hình sản xuất và nuôi trồng thủy sản đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng của tỉnh.

Hiện nay, tại Sóc Trăng đã xuất hiện khá nhiều trang trại, mô hình nuôi tôm lót bạt 2 và 3 giai đoạn. Đây được xem là mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao tương đối bền vững, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, nắng nóng, xâm nhập mặn hiện nay. Điều này giảm tải cho môi trường vì hệ thống xả thải tuần hoàn, ít trao đổi nước với bên ngoài. Người nuôi có thể kiểm soát tốt được chất lượng con giống thả, kiểm soát tốt về các yếu tố môi trường ao nuôi, hạn chế được mầm bệnh, giảm thiểu được rủi ro trong nuôi tôm.

Với mô hình này, tôm nuôi đạt năng suất, chất lượng, sản lượng, hiệu quả kinh tế cao. Một số trang trại và các hộ dân ở nhiều địa phương đã nuôi đạt kết quả sản lượng rất cao như: ở huyện Trần Đề, nuôi đạt 21 tấn tôm/ha/vụ; thị xã Vĩnh Châu đạt 10,2 tấn/ha/vụ; Cù Lao Dung 3 tấn/ao 500 m2/vụ và Mỹ Xuyên từ 2 – 2, 5 tấn/ao 500 m2/vụ…

Nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ với mô hình công nghệ mới cũng cho hiệu quả khá cao như: hộ ông Châu Hoàng Du, ở xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu trong thời gian qua đã đầu tư nuôi tôm theo công nghệ ao trải bạt.

Ông Du cho biết, thời gian trước ông nuôi tôm theo phương pháp truyền thống là ao đất, lúc đầu nuôi vẫn có lãi nhưng thời gian gần đây thì nuôi không hiệu quả do môi trường ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm nhiều không thể nuôi được. Nên từ đó ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi ao lót bạt và trong quá trình nuôi cho thấy, mô hình này hiệu quả hơn, dễ quản lý hơn về môi trường, dịch bệnh trên tôm ít hơn so với nuôi ao đất rất nhiều.

Trên phần diện tích đất của mình, ông Du đã đầu tư 3 ao nuôi lót bạt với diện tích 3.600m2, tổng chi phí 1,1 tỷ đồng, một phần diện tích đất ông sử dụng làm ao lắng. Kết quả năm vừa qua, gia đình ông đạt lợi nhuận trên 1,3 tỷ đồng.

Mặc dù nuôi công nghệ cao cho hiệu quả nhưng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Sóc Trăng, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, siêu thâm canh của tỉnh vẫn còn khiêm tốn. Hiện, mới có khoảng trên 4.038 ha, với 3.987 ao/981 hộ nuôi, chiếm 9% trên tổng diện tích nuôi tôm nước lợ nên chưa hình thành nên khu, vùng nuôi tập trung.

nuoi-the-chan-trang-1616988409-1646041689.jpeg Hướng tới phát triển mô hình ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh minh hoạ

Với quy mô nuôi nhỏ lẻ, ao đất còn tiềm ẩn rủi ro khá cao về dịch bệnh; vấn đề nuôi để đảm bảo các chứng nhận, mã số đối tượng nuôi chủ lực để đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc sản phẩm và thúc đẩy chuỗi liên kết cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là nhu cầu vốn sản xuất, để tái đầu tư hay đầu tư nâng cấp mô hình người dân vẫn còn gặp khó trong tiếp cận vốn.

Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ số, ứng dụng các quy trình tiên tiến, phát triển nuôi theo hướng siêu thâm canh, công nghệ cao là một trong những định hướng phát triển đã được Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện nhưng hiện nay áp dụng cũng chưa được nhiều.

Từ những khó khăn đó, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã xây dựng và tham mưu một số giải pháp với tỉnh nhằm phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể là rà soát lại quy hoạch nuôi tôm phù hợp với từng vùng sinh thái theo hướng tập trung; xem xét yếu tố xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để đầu tư các chương trình, công trình và cơ sở hạ tầng để đáp ứng đồng bộ với nhu cầu của sản xuất. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhất là các thủ tục hành chính về điều kiện nuôi trồng thủy sản, cấp mã số đối tượng nuôi chủ lực, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường của cơ sở, hộ nuôi.

Sóc Trăng cũng đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm tập trung; ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kênh cấp, thoát đối với các vùng nuôi tôm tập trung, vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Cùng đó, hướng dẫn người dân đầu tư hoàn chỉnh hệ thống ao nuôi.

Bên cạnh đó, tỉnh xúc tiến đầu tư và thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào lĩnh vực: sản xuất giống, thức ăn, sản xuất chế phẩm sinh học… để có nguồn vật tư đầu vào vừa chất lượng vừa có giá thành hợp lý. Trong khâu tổ chức sản xuất, cần phải củng cố và thành lập các Hợp tác xã, tổ hợp tác; Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất..

Ngoài ra, đảm bảo người nuôi tôm có đủ vốn đảm bảo sản xuất cần huy động và sử dụng tối đa hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, vốn vay lãi suất thấp, vốn vay theo cơ chế ưu đãi; phát huy các nguồn nội lực đồng thời tạo mọi điều kiện để tranh thủ khai thác các yếu tố, nguồn vốn từ bên ngoài.

Tại hội nghị về hỗ trợ vốn của các tổ chức tín dụng cho đầu tư phát triển thủy sản mới đây do UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức, nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng đã cam kết hỗ trợ vốn vay đối với một số dự án và hộ nuôi tôm để chuyển đổi mô hình nuôi tôm an toàn, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro; từng bước nhân rộng mô hình nuôi tôm có hiệu quả, nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một tín hiệu vui cho người nuôi tôm muốn chuyển đổi theo mô hình nuôi công nghệ cao của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.

Đến năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 76.530 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ 53.000 ha, tập trung ở các huyện Trần Đề, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu. Tôm sú và tôm thẻ chân trắng là hai đối tượng được nuôi chủ yếu; sản lượng nuôi 271.257 tấn (tôm nước lợ 183.200 tấn). Nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng như mô hình tôm - lúa, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn... từ đó tạo được vùng nguyên liệu ổn định, an toàn cung ứng cho các nhà máy chế biến trong tỉnh./.