Phố chuyên doanh ở Tp.HCM: Vì sao rầm rộ nhưng vắng khách?

Mô hình phố chuyên doanh mang theo rất nhiều kỳ vọng về sự khởi sắc cho kinh doanh thương mại, nhưng đến nay hiệu quả vẫn chưa như mong đợi.

Kinh doanh chưa như kỳ vọng

Tính đến đầu tháng 2/2023, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 130 phố chuyên doanh, chiếm tỷ lệ 13% trên tổng số hơn 1.000 con đường. Phố chuyên doanh có hai loại, một là chuyên bán hàng truyền thống có từ rất lâu đời. Loại còn lại thì bán các mặt hàng hiện đại như vật liệu xây dựng và trang trí nội thất, đồ điện tử, đồ gỗ,...

Việc hình thành các tuyến phố chuyên doanh văn minh, sạch đẹp, có không gian buôn bán đặc trưng là chủ trương lớn của thành phố, tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách trong việc mua sắm, tham quan, góp phần phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch của địa phương.

Là một trong những địa bàn trọng điểm, có hoạt động thương mại dịch vụ sôi nổi bậc nhất thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016, quận 5 bước đầu hình thành các phố chuyên doanh trong một số lĩnh vực, trên cơ sở thực tế thị trường sẵn có và lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp tại chỗ, bao gồm: (2016) phố đông y, (2017) phố vàng bạc - đá trang sức, (2018) phố thời trang. Đến 11/2023, phố văn phòng phẩm cũng đã được ra mắt.

Đây được xem là một nỗ lực của quận 5, theo hướng phát huy thế mạnh của một địa bàn trọng điểm về thương mại của thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 6/2023, thành phố Thủ Đức đã chính thức khai trương tuyến phố chuyên doanh thời trang trên con đường Võ Văn Ngân, một trong những con đường sầm uất bậc nhất của thành phố Thủ Đức.

Phố sá ở đây vẫn nhộn nhịp các hàng quán và nhiều shop thời trang. Thế nhưng, sự nổi bật, sức hút của một phố thời trang vẫn chưa thực sự rõ nét.

Ngoài bảng hiệu lớn đặt ở cửa ngõ ngã tư Thủ Đức thì con phố Võ Văn Ngân không khác gì so với trước đây. Đặc biệt, hạ tầng chưa đồng bộ đang là rào cản của những con phố chuyên doanh vốn mang hơi thở hiện đại.

Tiêu dùng & Dư luận - Phố chuyên doanh ở Tp.HCM: Vì sao rầm rộ nhưng vắng khách?

Cách đây vài năm, thành phố Hồ Chí Minh khai trương nhiều con phố chuyên doanh như vàng bạc, trang sức.. và mô hình này hiện nay đang dần nhân rộng.

Bà Đào Thị Ánh Tuyết, Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND quận 5 cho biết, từ khi ra mắt, hoạt động của các tuyến phố trên có một số biến chuyển tích cực, như niêm yết giá bán đúng quy định, chủ kinh doanh đầu tư hơn về mặt bằng, cách bài trí sản phẩm, chú trọng hơn đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo bà Tuyết, vẫn còn một số đơn vị kinh doanh ngại thay đổi, chưa mạnh dạn áp dụng các phương thức kinh doanh mới. Việc đón và phục vụ các đoàn khách du lịch lớn vẫn còn hạn chế do thiếu điểm dừng đỗ xe. Do đó, các cơ quan chuyên môn cần phối hợp, tạo điều kiện để xe khách du lịch dừng, đậu thuận tiện hơn.

Còn quận 10 hiện có 6 phố chuyên doanh, gồm trung tâm chuyên doanh kiểu mẫu, trung tâm chuyên doanh dược phẩm và trang thiết bị y tế, phố chuyên doanh trang trí nội thất Ngô Gia Tự, phố chuyên doanh hoa và ẩm thực Hồ Thị Kỷ, phố đi bộ đêm ở kỳ đài Quang Trung, phố chuyên doanh vật liệu xây dựng, phố sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Chủ tịch UBND quận 10 cho hay, việc kinh doanh ở các phố đã thay đổi tích cực, không còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, gây mất an ninh trật tự, mỹ quan đô thị.

Mặc dù UBND quận đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở các phố chuyên doanh nhưng do ảnh hưởng của kinh tế khó khăn chung nên hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không thuận lợi.

Quy hoạch lại, hướng đến hiệu quả

Theo các chuyên gia, việc hình thành các tuyến phố chuyên kinh doanh, buôn bán một số mặt hàng nhất định mang đến nhiều tiện ích. Trước hết, khách hàng có điều kiện lựa chọn sản phẩm ưng ý, so sánh giá cả, chất lượng của cùng một mặt hàng ở những cửa hàng liền kề nhau.

Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh trên cùng một tuyến phố cũng phải cạnh tranh lành mạnh với nhau bằng cách cung cấp sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp để thu hút được khách hàng. Khi đã tạo được ấn tượng tốt với nhiều người, những tuyến phố chuyên doanh sẽ là nơi lui tới mua sắm của nhiều người dân khu vực nội, ngoại thành và du khách thập phương.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, các phố chuyên doanh chưa thể thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch bởi vì thiếu sức sống lẫn sức hút.

Các phố chưa có không gian buôn bán đặc trưng, chưa văn minh, sạch đẹp, tiện lợi. Phố chuyên doanh vẫn chỉ là tập hợp những cơ sở kinh doanh cũ với những sản phẩm cũ mà tuyến đường nào cũng có bán, chỉ tấm bảng hiệu “phố chuyên doanh” là mới.

“Nếu muốn xây dựng, hình thành các phố chuyên doanh mới để khẳng định văn minh thương mại của một thành phố phát triển thì tôi ủng hộ. Nhưng tôi nghĩ rằng, cần phải có một “nhạc trưởng” là Sở, ban, ngành nào đó cấp thành phố thay vì để cấp quận tự làm theo kiểu “mạnh ai nấy lập phố” như hiện nay. “Nhạc trưởng” này sẽ phân tích thế mạnh, đặc thù của từng địa phương, quy hoạch cụ thể từng khu vực với sản phẩm cụ thể và kêu gọi các doanh nghiệp, người dân cùng tham gia, có các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, cũng như có những chiến lược truyền thông quảng bá bài bản”, ông Nam đề xuất.

Đồng thời, dù là phố chuyên doanh truyền thống (sẵn có) hay được thành lập mới, “phố” phải đáp ứng nhu cầu về bến bãi, phương tiện vận chuyển, dịch vụ, nhân sự, tạo thành một hệ sinh thái liên kết chặt chẽ với nhau. Việc nâng cấp, chỉnh trang “phố” phải phù hợp với đô thị văn minh nhưng vẫn bảo tồn những giá trị truyền thống. Đừng thành lập phố chuyên doanh kiểu phong trào, để làm đẹp các bản báo cáo thành tích.

Còn chuyên gia quy hoạch đô thi, TSKH. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc chính quyền các quận, huyện đồng loạt thành lập phố chuyên doanh là đáng hoan nghênh, nhưng “phố” phải đi từ nhu cầu thực tế, phải để thị trường quyết định chứ không nên áp đặt, thành lập theo chỉ tiêu, cũng không nên gom tất cả các ngành nghề giống nhau vào một con đường.

Theo ông Nam, ngoài bán hàng, phố dịch vụ thương mại phải thân thiện với người đi bộ, phải cho người dân có trải nghiệm về không gian xanh, có nơi trú chân, có nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ.

Nên chọn những con đường rộng, có lề đủ để người kinh doanh bày bán, kết hợp với các công trình trong nhà, tức là vừa kinh doanh ăn uống, vừa bán quà lưu niệm, sản phẩm truyền thống. Không nên cấm chạy xe bởi nếu phố thân thiện với người đi bộ thì không cần cấm xe, du khách và người dân vẫn muốn dạo phố.

“Với những tuyến phố đã hình thành tự phát trước đó, chính quyền địa phương cần quy hoạch lại để có sự đồng bộ, bài bản về màu sắc, kích thước của bảng hiệu, mái che. Phải có đèn đường, vạch sơn phân định không gian đi bộ, không gian buôn bán, có ghế ngồi công cộng cho khách nghỉ chân, có bảng hướng dẫn”, chuyên gia chỉ ra.

Để làm được điều này, chính quyền thành phố cần đưa ra quy chuẩn chung cho các phố chuyên doanh, đồng thời phải chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, tình trạng xả rác bừa bãi.