Trần Lân

Tp.HCM: Đề xuất xây dựng thêm 6 công viên, tổng diện tích gần 800ha

Sở Xây dựng Tp.HCM đề xuất xây dựng thêm 6 công viên với tổng diện tích gần 800ha thuộc thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, quận 12, quận Bình Tân và quận Bình Thạnh.

Ngày 29/1, theo báo cáo của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh vừa trình UBND thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023 Thành phố này đã trồng mới và cải tạo gần 12.500 cây xanh (chỉ tiêu là 6.000 cây); thực hiện phát triển 8,2ha công viên công cộng (chỉ tiêu 5ha); phát triển hơn 32ha mảng xanh công cộng (chỉ tiêu 2ha). Năm 2024, các chỉ tiêu trên sẽ vẫn được giữ nguyên. 

Bất động sản - Tp.HCM: Đề xuất xây dựng thêm 6 công viên, tổng diện tích gần 800ha

Sở Xây dựng Tp.HCM đề xuất xây dựng thêm 6 công viên với tổng diện tích gần 800ha.

Theo Sở Xây dựng, trong quyết định của UBND thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 về kế hoạch chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020 - 2025, Thành phố này đặt chỉ tiêu tăng thêm 150ha đất công viên công cộng, tương đương 0,65m2/người (tính trên quy mô 10 triệu dân).

Về mục tiêu xa hơn, giai đoạn 2026 - 2030, thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu tăng 10ha mảng xanh công cộng, đất công viên đạt 1m2/người (tính trên quy mô 11 triệu dân), trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh.

Do đó, để hoàn thành chỉ tiêu này, thành phố cần thực hiện tối thiểu 54 dự án với kinh phí đầu tư ước tính hơn 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới có 8 dự án hoàn thiện và trình đề xuất chủ trương đầu tư. Trong số 8 dự án này, thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận 4 dự án với kinh phí 1.590 tỷ đồng.

Ngoài ra, báo cáo của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất xây dựng thêm 6 công viên có quy mô lớn từ nguồn đất công hoặc đất trống .

Trong đó, lớn nhất là công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi, rộng 485ha, cách trung tâm khoảng 50km.

Dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, thuộc cụm du lịch văn hóa lịch sử Củ Chi với các khu chức năng thả thú bán hoang dã; trưng bày thú mở (hệ thống chuồng trại dạng mở và cảnh quan, trưng bày các loài thú đặc trưng của các châu lục trên thế giới, vườn thú đêm trưng bày các loài thú chuyên sinh hoạt vào ban đêm).

Bất động sản - Tp.HCM: Đề xuất xây dựng thêm 6 công viên, tổng diện tích gần 800ha (Hình 2).

Công viên được đề xuất lớn nhất với diện tích 485ha là Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi.

Khu lâm viên sinh thái thành phố Thủ Đức quy mô 128ha được quy hoạch có chức năng chính là khu vực dành cho mục đích bảo vệ môi trường và thoát nước mặt, được giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên... Đây là 1 trong 6 khu đất được đề xuất làm công viên cây xanh. Hiện trạng khu vực này như một khu rừng rậm, dày đặc các loại thực vật phát triển tự nhiên

Công viên quảng trường Thủ Thiêm ở thành phố Thủ Đức rộng 20ha, đã được cải tạo và đi vào hoạt động vào cuối tháng 12/2023. Công viên có hơn 200 cây xanh, thảm cỏ, tiểu cảnh, đường dạo, ghế ngồi, hệ thống chiếu sáng công viên. Những ngày qua, khu vực này thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, chụp ảnh bởi cánh đồng hoa hướng dương xinh đẹp rực rỡ

Công viên Gò Cát (quận Bình Tân) rộng 13ha, vốn dĩ là một bãi chôn lấp rác thuộc Công ty môi trường đô thị thành phố Hồ Chí Minh. Bãi rác này đã đóng cửa, ngưng hoạt động từ năm 2007 và hiện đang bỏ hoang

Công viên cây xanh thuộc khu công viên cây xanh - thể dục thể thao (phường 12, quận Bình Thạnh) rộng 3,8ha hiện là bãi đất trống, tuyến đường dân sinh đã thành hình.

Cuối cùng là công viên cây xanh Thạnh Xuân ở quận 12 rộng 150ha.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, trong khi nguồn vốn đầu tư công chưa bố trí đủ cho các dự án thì việc mời gọi tư nhân đầu tư phát triển công viên cây xanh là không thể thực hiện. Lý do vì công viên cây xanh không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và xã hội hóa.

Hiện nay, việc hướng dẫn sử dụng khai thác mặt bằng công viên cũng còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Hiện chưa có quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, nên trong quá trình quản lý có phát sinh các khó khăn, vướng mắc về quản lý, khai thác. Chẳng hạn như tổ chức các dịch vụ thiết yếu trong công viên phục vụ nhu cầu của người dân như bãi giữ xe, căng tin, máy bán nước tự động.

Để triển khai thực hiện các dự án nói trên, Sở Xây dựng kiến nghị UBND Thành phố này giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng của các dự án nêu trên.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát về nguồn gốc, thời hạn sử dụng, cho thuê của các khu đất này để tham mưu UBND Thành phố Hồ Chí Minh các thủ tục thu hồi đất theo quy định.