Trần Lân

Khánh Hòa sẽ xây dựng thêm 810 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng

Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng, lắp đặt 810 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; hướng dẫn thu gom và xử lý bao gói cho 4.500 người.

Bể chứa còn quá ít

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định ban hành Kế hoạch nhân rộng mô hình hướng dẫn, tuyên truyền sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn và thu gom bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh này giai đoạn 2022–2025.

Theo đó, diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay vào khoảng 100.000 ha (bao gồm cây hàng năm và cây lâu năm). Để phòng trừ sinh vật gây hại, người dân đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây trồng. Mỗi năm lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn tỉnh khoảng 300-350 tấn, lượng bao gói thuốc BVTV chiếm khoảng 10% (tương đương 30 – 35 tấn/năm).

Với diện tích gieo trồng như trên, theo Thông tư liên tịch số 05/2016 về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, nhu cầu bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng của tỉnh Khánh Hòa vào khoảng 20.000 bể.

Trong năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã lắp đặt được 110 bể (đạt khoảng 0,55% so với nhu cầu) chiếm tỉ lệ rất thấp so với nhu cầu thực tế về số lượng bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng của các địa phương.

Hiện nay, người dân vẫn chưa nhận thức được hết ý nghĩa của việc thu gom bao thuốc BVTV qua sử  dụng và số lượng bể chức bao thuốc BVTV sau sử dụng rất ít so với nhu cầu thực tế nên vẫn còn tình trạng một số người dân sau khi phun rải thuốc xong, bao gói, chai lo thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi trên đồng ruộng hoặc những nơi tiện tay, không bỏ vào đúng nơi theo quy định.

Với lượng thuốc BVTV còn dính lại trong bao bì, chai lọ do không được súc rửa hết thuốc còn lại trước khi vứt bỏ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Ngoài ra, trong bộ tiêu chí nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2022 – 2025, đối với xã nông thôn mới nâng cao có tiêu chí về môi trường quy định tỉ lệ chất thải rắn nguy hại trên địa bàn được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 100%.

Vì vậy, nhiệm vụ thực hiện hướng dẫn, tuyên truyền sử dụng thuốc BVTV an toàn và thu gom bao thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là rất cần thiết.

Sẽ xây dựng thêm 810 bể chứa

Mục tiêu của kế hoạch là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng thuốc BVTV, tác hại của việc thải bỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên đồng ruộng và những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo. Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn bền vững, cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần xây dựng và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị.

Môi trường - Khánh Hòa sẽ xây dựng thêm 810 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng

Mô hình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại cánh đồng lúa xã Vĩnh Phương, Tp.Nha Trang. Ảnh: C.Đ.

Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu hoàn thiện xây dựng, lắp đặt 810 bể chứa trong giai đoạn 2022-2025 theo Thông tư liên tịch số 05/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ Tài nguyên và môi trường, đảm bảo cho công tác thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thuận lợi, phù hợp với tình hình thực tế tại 8 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh.

Giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh này sẽ tổ chức 90 lớp tập huấn, vận động, tuyên truyền cho nhân dân tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV tại địa phương, hướng dẫn thu gom và xử lý bao gói thuốc, hóa chất BVTV sau sử dụng cho 4.500 người.

Bên cạnh đó, lắp đặt 47 pano, in 4.500 tờ rơi, 4.500 sổ tay với nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng thuốc BVTV về các nguy cơ do hóa chất BVTV, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng gây ra đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái tại 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Tổng kinh phí để xây dựng lắp đặt bể chứa; tuyên truyền, tập huấn; lắp đặt pano hướng tuyên tuyền; in ấn phát hành tờ rơi, sổ tay hướng dẫn là hơn 5 tỷ đồng.

Để hoàn thành các công việc nêu trên, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch đúng tiến độ và hiệu quả. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Sở Tài Nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

Đối với các sở, ban, ngành, địa phương, hội, đoàn thể có liên quan cần thực hiện tốt việc tổ chức tuyên truyền, vận động các hội viên và nhân dân chấp hành tốt quy định về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng nơi quy định…

Châu Tường